“LÒNG DÂN” - ĐẶC TRƯNG CỐT LÕI CỦA VĂN HÓA GIỮ NƯỚC VIỆT NAM
Văn hoá giữ nước Việt Nam là những giá trị tinh thần
truyền thống được phát huy, phát triển và được sáng tạo trong công cuộc đấu
tranh chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập của quốc gia - dân tộc”. Đó là: Lòng yêu
nước, ý chí kiên cường bất khuất; trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng, toàn
dân đánh giặc; nghệ thuật đánh giặc độc đáo; tính nhân văn cao cả... Dân tộc Việt
Nam đã sáng tạo ra các giá trị văn hoá giữ nước và phát triển hoàn thiện nó
ngay trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, giá trị
văn hoá giữ nước Việt Nam là sự "gặp gỡ", hoà quyện, kết tụ giữa cái
truyền thống với cái hiện đại; đồng thời, được nâng cao, phát triển và sáng tạo
không ngừng. Trong đó, “Trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”
là “thế trận” có ý nghĩa quyết định thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong các
cuộc chiến tranh vĩ đại giành và bảo vệ nền độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai
chiến thắng được lực lượng đó”.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, “lòng dân” là cơ sở để duy trì các
cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và càng về sau càng quyết liệt hơn. Từ đó, các
triều đại PK Việt Nam đều biết cách dựa vào dân, huy động được sức mạnh dân tộc
làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Tình cảm và tư tưởng về dân tộc gắn liền
với nhân dân được nêu lên, đúc kết thành một trong những đặc trưng của văn hóa
giữ nước, văn hóa chính trị Việt Nam. Từ Lý Công Uẩn “dời đô” là tính kế muôn
đời cho con cháu, trên kính mệnh Trời, dưới theo ý dân. Thời Trần, tư tưởng
chính trị “lòng dân không chia”, “cả nước góp sức” đánh giặc của Trần Quốc Tuấn
là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thế nước vững mạnh thời Trần, hội tụ ở
Hội nghị Diên Hồng - biểu tượng của ý chí, tinh thần đoàn kết thống nhất trong cả
nước, tiếng hô “quyết đánh” của các Bô lão đã phát huy cao độ văn hóa
giữ nước, sức mạnh đoàn kết của toàn dân trước thử thách mới của lịch sử.
Hội nghị Diên Hồng chính là bài học lớn nhất về “lòng dân” mà lịch
sử dân tộc Việt Nam đã đúc kết, có giá trị không chỉ với sự nghiệp giữ nước, mà
còn là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân, như
một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ
hiện đại. Bài học đắt giá về vai trò quyết định của “lòng dân” trong đấu
tranh giữ nước được chỉ rõ ở đầu thế kỷ XV khi “nhà Hồ đánh giặc một mình”,
“quân họ Hồ trăm vạn người, trăm vạn lòng” trong kháng chiến chống quân Minh
xâm lược, nhân tâm là chỗ yếu nhất của nhà Hồ khi phát động kháng chiến, khẳng
định “lòng dân” là yếu tố gốc rễ của của văn hóa giữ nước Việt Nam.
Trong thời hiện đại, triết lý “toàn dân đánh giặc” luôn là nhân tố
hàng đầu trong văn hóa giữ nước khi đất nước đối phó với thực dân, đế quốc xâm
lược. Sức mạnh “dời non lấp biển” - biểu tượng cho phẩm giá con người Việt Nam
ở thế kỷ XX đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sức mạnh của toàn dân vũ trang là một
ưu thế tuyệt đối để đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Chính “thế trận lòng
dân” vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp cả trong nước và quốc tế, Đảng ta đã
lãnh đạo toàn dân kháng chiến, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng
lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc
21 năm chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối,
cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng
liêng của Tổ quốc.
Hình thành và phát triển trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, “lòng dân”
có mối quan hệ chặt chẽ với thế trận chiến tranh nhân dân trong thời đại mới, trở
thành một triết
lý chính trị quyết
định sức sống của Đảng cầm quyền, sự thịnh hưng, suy vong của quốc gia dân tộc.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là mạch
nguồn để động viên mọi nguồn lực của đất nước cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là
chỗ dựa vững chắc, là niềm tin cho mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và
các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng xả thân để
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc./.
Hoài Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét