GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG SỰ NGHIỆP ĐỐI MỚI HIỆN NAY
- Ngọc Bích -
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với thế giới người hiền ở
tuổi 79 (năm 1969), Người đã để lại cho nhân dân ta một kho tàng di sản văn hóa
đồ sộ như: “Đường Cách mệnh”, “Tuyên ngôn Độc lập”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng
cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và bản “Di chúc” …những
kiệt tác bất hủ của Người bao trùm lên tất cả là hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh,
kết tinh của trí tuệ, tinh hoa văn hóa Việt, của tinh thần yêu nước, thương
dân, yêu Tổ quốc và đồng bào, yêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng
Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tài sản vô giá, cơ sở lý luận
và kim chỉ nam cho việc kiên trì, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng
ta, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề về xác định hình thức, biện pháp và bước đi
lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với những đặc điểm dân tộc và xu thế vận động của
thời đại ngày nay.
Công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) là kết quả của sự tổng kết những vấn
đề lý luận và thực tiễn sinh động của cả nước sau năm 1975. Trong những năm đổi
mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân
thực hiện Cương lĩnh, đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội và đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế
và lực mới cho con đường phát triển xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bên cạnh những
thời cơ, vận hội, nước Việt Nam đang phải đối đầu với hàng loạt thách thức, khó
khăn cả trên bình diện quốc tế, cũng như từ các điều kiện thực tế trong nước
tạo nên. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
vẫn tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử to lớn.
Thứ nhất, Đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam vẫn kiên
trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh là
người tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: Con đường độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhân dân
Việt Nam đã đấu tranh giành được độc lập dân tộc, từng bước quá độ dần lên chủ
nghĩa xã hội. Trong điều kiện nước ta, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ
nghĩa xã hội, sau khi giành được độc lập dân tộc phải đi lên chủ nghĩa xã hội,
vì đó là quy luật tiến hóa trong quá trình phát triển của xã hội loài người.
Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đáp ứng được khát vọng của toàn dân tộc: Độc lập
cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân, cơm no áo ấm cho mọi người dân Việt Nam.
Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải biết tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận
lợi, tận dụng tối đa sức mạnh của thời đại. Ngày nay, sức mạnh của thời đại tập
trung ở cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, xu thế toàn cầu hóa. Chúng ta cần
ra sức tranh thủ tối đa các cơ hội do xu thế đó tạo ra để nâng cao hiệu quả hợp
tác quốc tế; phải có cơ chế, chính sách đúng để thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm
quản lý và công nghệ hiện đại, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, chúng ta phải có đường lối chính
trị độc lập, tự chủ. Tranh thủ hợp tác phải đi đôi với thường xuyên khơi dậy
chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính của mọi người Việt Nam nhằm
góp phần làm gia tăng tiềm lực quốc gia. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải
gắn liền với nhiệm vụ trau dồi bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là cho
thanh, thiếu niên - lực lượng rường cột của nước nhà, để không tự đánh mất mình
bởi xa rời cốt cách dân tộc. Chỉ có bản lĩnh và cốt cách văn hóa dân tộc sâu
sắc, mạnh mẽ đó mới có thể loại trừ các yếu tố độc hại, tiếp thu tinh hoa văn
hóa loài người, làm phong phú, làm giàu có nền văn hóa dân tộc.
Thứ ba, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, làm trong
sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí,
thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực
hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ của
nhân dân cần đến vai trò lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính, một Nhà
nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Muốn vậy, phải: Xây dựng Đảng Cộng sản
Việt Nam cầm quyền, một Đảng "đạo đức, văn minh". Cán bộ, đảng viên
gắn bó máu thịt với nhân dân, vừa là người hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân, vừa
hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, gương mẫu trong mọi việc; Xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;
thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia một cách đồng bộ để phục vụ đời sống
nhân dân; Hình thành một đội ngũ cán bộ liêm khiết, tận trung với nước, tận
hiếu với dân. Giáo dục mọi tầng lớp nhân dân ý thức biết cách làm giàu cho đất
nước, hăng hái đẩy mạnh tăng gia sản xuất kinh doanh gắn liền với tiết kiệm để
xây dựng nước nhà.
Hiện nay, trước thực trạng đạo đức của một số đội ngũ
cán bộ, đảng viên có thời điểm suy giảm, việc tiếp tục nâng cao giá trị lịch sử
của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên hiện nay rất
quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách
mạng mà Đảng và nhân dân giao phó. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong
những biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng tự
giác liên hệ, kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức,
lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao sức chiến đấu
và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện
thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa của chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét