XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Sinh
thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ,
đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo,
người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm,
đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh
năm 1927, ngay trang đầu tiên của tác phẩm, Người đã nêu lên 23 điều về tư cách
của người cách mạng, tập trung giải quyết ba mối quan hệ cơ bản, đó là với
mình, với người, với việc. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là
một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức
cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta
thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung
thành của nhân dân”. Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn
viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã
hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Người coi đạo đức như gốc của
cây, như nguồn của sông: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có
nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng
phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân”.
Vai trò nền tảng của đạo đức
được Người khẳng định:“Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có
thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”, “Tuy năng lực và công việc
của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ
được đạo đức đều là người cao thượng”. Theo Người, đạo đức còn có ảnh hưởng
lớn đến sự nghiệp đổi mới xã hội cũ thành một xã hội mới và xây dựng thuần
phong mỹ tục.
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh
về đạo đức cách mạng, có thể khái quát thành chuẩn mực đạo đức sau: Trung với
nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con
người, sống có tình, có nghĩa; tinh thần quốc tế trong sáng. Tuy nhiên, cần
nhận thức về sự thống nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, cần phân biệt
giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân thì việc gì cũng
nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà
chỉ muốn “mọi người vì mình”, chỉ lo “mình béo mặc thiên hạ gầy”. Theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi
ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, đời sống riêng của bản thân và
gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì
không phải là xấu. Con người không phải thánh thần, có tốt, có xấu. Chúng ta
cần làm cho phần tốt của mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất
dần đi.
Đạo đức của Đảng hàm chứa tình
nhân ái, rộng lớn, bao la. Tình yêu thương con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chung chung trừu tượng, mà trước hết giành cho những người mất nước,
người cùng khổ. Yêu thương con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la, vừa
gần gũi, bao trùm cả cộng đồng đến từng số phận con người, đánh thức những gì
tốt đẹp nhất trong mỗi con người, tạo điều kiện cho họ đứng dậy vươn lên hoàn
thành nhiệm vụ. Tình yêu thương con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt ra ngoài
phạm vi dân tộc, mang tính nhân loại. Đó chính là tinh thần quốc tế trong sáng,
thủy chung.
Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, về đạo đức cách mạng là tài sản tinh
thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta, việc vận dụng và phát triển các
giá trị tư tưởng đó vào sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ
cán bộ của đất nước trong điều kiện hiện nay là việc làm không chỉ có giá trị
lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét