HOÀNG
ĐÌNH GIONG - NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA ĐẢNG VÀ
DÂN TỘC
Đồng chí Hoàng Đình Giong là người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; còn có tên gọi khác là Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông là tấm gương tài đức vẹn toàn của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng và dân tộc.
Là người sớm có tinh thần yêu nước, căm ghét thực dân đế quốc, chính vì thế Hoàng Đình Giong đã tham gia cách mạng từ rất sớm. Từ những năm 1923-1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở tỉnh Cao Bằng. Cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1927, bí mật sang Long Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và được được kết nạp vào Hội. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại. Từ đây, đồng chí đã một lòng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.
Trong quá
trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn tự nhủ và khích lệ, động viên đồng
chí, đồng đội nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh: “Rồi đây
có thể gặp phải cảnh tù đày, tra tấn, nhưng không vì thế mà đầu hàng, phải chịu
đựng vượt qua”. Tháng 2/1936, đang chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hải Phòng, bị
thực dân Pháp bắt, trong nhà tù đế quốc mặc dù bị tra tấn dã man, kẻ thù tìm mọi
cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng không khuất phục được tinh thần, ý chí sắt đá, lòng
trung thành với Đảng với Tổ quốc của đồng chí. Đồng chí đã hiên ngang, anh dũng
tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai, khẳng định sự tin tưởng vào tiền
đồ cách mạng của Đảng và dân tộc. Bị thực dân Pháp đày đi khắp các nhà tù đế quốc,
nhưng đồng chí vẫn là linh hồn của tập thể những người cộng sản, là người có
tinh thần cách mạng triệt để và lập trường giai cấp vững vàng, lạc quan, cùng với
các đồng chí của mình đã “biến nhà tù đế
quốc thành trường học cách mạng”, sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt - chi
bộ Cộng sản của các đảng viên tù chính trị trong nhà tù Sơn La. Tin tưởng vào sự
lãnh đạo của Đảng, đồng chí cùng với các đồng chí cộng sản đã đấu tranh bất khuất,
không khoan nhượng, khôn khéo đề ra được chủ trương, sách lược đúng đắn, tranh
thủ đồng minh để được nhanh chóng thoát khỏi nhà tù đế quốc tiếp tục hoạt động
cách mạng. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận),
đồng chí Hoàng Đình Giong chiến đấu và anh dũng hy sinh. Cuộc đời hoạt động
cách mạng, tấm gương chiến đấu bất khuất, kiên trung của đồng chí Hoàng Đình
Giong và hàng trăm, hàng nghìn các chiến sĩ cách mạng của dân tộc Việt Nam đúng
như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu
sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của
dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình
cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun
tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như
ngày nay”.
Hy sinh khi mới 43 tuổi, với hơn
20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng, đồng chí Hoàng Đình
Giong đã nêu một tấm gương sáng chói về hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung,
tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc
và thời đại, là người con ưu tú của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng
và Nhà nước truy tặng huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh; danh hiệu
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu
biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong (1/6/1904 - 1/6/2024), chúng ta vinh dự, tự hào ôn lại vài nét về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí, để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi hôm sau luôn tự hào, khắc ghi, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí đối với dân tộc. Không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, đồng lòng nhất trí bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, xây dựng thành công CNXH và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Tươi Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét