TRIẾT LÝ “DĨ
BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN” TRONG ĐƯỜNG LỐI
NGOẠI GIAO
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại, Nhà ngoại giao thiên
tài của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao của Người là sự kết tinh của các
giá trị văn hóa tốt đẹp, mang giá trị phổ quát, bền vững.
Tháng 5/1946, trước khi lên đường sang Pháp cứu vãn hòa bình
cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng - khi đó là Bộ
trưởng Bộ Nội vụ, rằng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở
nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất
biến, ứng vạn biến”.
Lời căn dặn của Người đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc
Kháng trước khi Người sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, trong điều kiện
chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ và đang ở tình thế “ngàn cân treo
sợi tóc”, cũng là lần đầu tiên triết lý "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
trong công tác đối ngoại được mọi người biết đến.
Triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" có nghĩa là
lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến (cái thay đổi);
ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ, đánh mất cái bất biến;
tuyệt đối không thể đem cái bất biến ấy ra mua bán, đổi chác.
Tiếp nối lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống
ngoại giao ngàn năm lịch sử của cha ông, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” tiếp tục
là bản sắc ngoại giao tiêu biểu của Việt Nam. Tính bất biến của bản sắc ngoại
giao Việt Nam được thể hiện đậm nét trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII của
Đảng, kiên trì lập trường, nguyên tắc về thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc,
chống chiến tranh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các
nước. “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” luôn là mục tiêu bất biến,
kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại và
cần được phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh mới.
Từ nhận thức đúng đắn về cái “bất biến” và cái “vạn biến”, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, phù hợp: Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế; từ quan niệm “địch”, “ta”, chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng. Theo đó, đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức thế giới và khu vực; tham gia nhiều hiệp ước quan trọng vì sự phát triển, tiến bộ chung trong khu vực và thế giới. Qua đó tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thay đổi, điều chỉnh đó đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh đối ngoại mềm dẻo, được các nước trên thế giới đánh giá cao./.
Đông Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét