HÃY TỰ BẢO VỆ MÌNH KHI
DÙNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ KHÔNG TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA VẤN NẠN LỪA ĐẢO ĐANG “HOÀNH
HÀNH” TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là thách thức mang
tính toàn cầu, không chỉ ở nước ta. Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng
Cục An ninh mạng và phòng chống, chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao, Bộ
Công an, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã nhận
xét: "Có thể xem tội phạm lừa đảo qua mạng hiện nay là một nghề dành
cho những kẻ muốn kiếm tiền bất chính. Nhiều tập đoàn tội phạm huy động hàng
trăm người tham gia hoạt động lừa đảo. Tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng,
phức tạp và không có chiều hướng suy giảm". Rất nhiều người sẽ sửng sốt,
giật mình khi đọc được con số nêu trong báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng
tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội
chống lừa đảo phối hợp công bố. Cụ thể, có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa
đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Theo nhận định, con số thiệt hại
rất lớn nêu trên cho thấy, Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng
mạng. Vì vậy việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng hiện nay đang
là vấn đề cấp bách, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi người dân, nhất
là các cơ quan chức năng ở các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng
ngày càng đa dạng. Tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ để xây dựng
các phương pháp lừa đảo mới, dù vẫn là mục tiêu cũ nhưng các đối tượng dùng
công nghệ mới để dễ dàng lấy thông tin, dữ liệu. Hiện nay, người dân tiếp xúc với
nguy cơ lừa đảo trực tuyến hằng ngày, hằng giờ... Tuy nhiên, bên cạnh việc người
dân Việt Nam dùng mạng xã hội còn thiếu kiến thức về tự bảo vệ mình trên không
gian mạng, nhiều người có thói quen dùng phần mềm không bản quyền (là môi trường
lan tỏa ứng dụng độc hại), một số do hám lợi nên dễ “sập bẫy” của bọn lừa đảo. Đặc
biệt nguy hiểm là các đối tượng lừa đảo còn có xu hướng sử dụng AI deepfake để
tái tạo gương mặt người dùng, tạo tài khoản trùng tên để lừa đảo người thân...
Có thể đưa ra một ví dụ điển hình là chúng dùng thủ đoạn
hack facebook (chiếm quyền truy cập facebook), nhắn tin cho người thân của chủ
tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền… nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng
chiếm quyền truy cập tài khoản, thay đổi mật khẩu, nghiên cứu về danh sách người
thân của chủ facebook bị chiếm quyền truy cập, nhắn tin nhờ vay tiền hoặc chuyển
hộ tiền cho một người khác. Sau khi nhận được tiền từ nạn nhân, các đối tượng
chuyển tiền (banking) lòng vòng qua rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau rồi
rút tiền từ các cây ATM.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã
nỗ lực rất nhiều trong triển khai các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn
tội phạm trên không gian mạng. Ví dụ như doanh nghiệp như Viettel, VNPAY, MK,
Momo đã sử dụng AI, Big Data để cải tiến sản phẩm theo hướng thông minh hơn, an
toàn hơn, cảnh báo sớm các hình thức lừa đảo mới, hành vi bất thường cũng như
các nhóm khách hàng dễ gặp rủi ro.
Song, chỉ biện pháp kỹ thuật là chưa đủ, bản thân người
dùng cũng cần biết cách tự bảo vệ mình mới là vấn đề quyết định. Thiếu tá thạc
sĩ Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký Trưởng ban nghiên cứu, tư vấn chính sách,
pháp luật Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã đưa ra khuyến nghị: để phòng, chống
lừa đảo trên không gian mạng, "mỗi người dân cũng cần tự bảo vệ chính
mình vì nếu không, không ai có thể bảo vệ họ cả". Ông nhận định luồng
chảy dữ liệu như một con sông, nhưng nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn mất
cân bằng, mọi người có tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá
nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ.
Do đó, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, mấu chốt để
phòng, chống lừa đảo là liên tục nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản của người
dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, không có kiến thức về an ninh mạng. Theo
đó, mỗi người dân khi dùng mạng xã hội nên ghi nhớ kỹ và thực hành theo những lời
khuyên của các cơ quan chức năng như sau:
Thứ nhất, hạn chế
hoặc không đăng tải thông tin chi tiết tiểu sử bản thân, nơi làm việc, trình độ
học vấn, nơi sinh sống, mối quan hệ gia đình, sở thích, số chứng minh nhân dân,
căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, lương, thưởng
trên mạng xã hội; đặc biệt facebook nên đặt mật khẩu nhiều tầng bảo mật, mật khẩu
phải đủ độ mạnh bao gồm chữ in hoa, chữ in thường, ký tự đặc biệt, số, xác nhận
qua tin nhắn SMS, google Authenticator. Khi nhận được tin nhắn vay tiền hoặc nhờ
chuyển hộ của bạn bè, người thân từ mạng xã hội facebook, zalo… phải gọi điện
thoại trực tiếp kiểm tra xác thực, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web
nghi vấn hoặc đường “link” lạ và mã độc trên các “link” được kích hoạt sẽ thu
thập được thông tin trên các thiết bị truy cập của người dùng; không làm theo
hướng dẫn và không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP tài khoản
ngân hàng…
Thứ hai, cẩn trọng khi kết bạn, giao tiếp với người lạ hoặc
người nước ngoài qua mạng xã hội, bởi giấy tờ chứng minh về người lạ không có,
thậm chí các cuộc gọi video cũng là ảo, giả mạo.
Thứ ba, không tham gia các sàn giao dịch thương mại điện
tử không chính thống hay đầu tư mua đồng “Coin” trên thị trường tiền mã hóa do
các đối tượng người nước ngoài hướng dẫn, giăng bẫy.
Thứ tư, không tham gia vay tín chấp trên các trang mạng
xã hội do các công ty ma quảng cáo.
Thứ năm, cần cân nhắc khi tham gia các phần mềm “chát”
không lành mạnh để trao đổi các hình ảnh nhạy cảm về bản thân, ngoài việc lừa
tình các đối tượng có thể lừa tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản, thậm chí thông tin
cá nhân bị đăng lên mạng xã hội.
Thứ sáu, các hành vi giả danh cơ quan tư pháp, công an…
đang điều tra vụ án, tham ô, nhận hối lộ, trộm cắp điện, buôn lậu, tiền bẩn…yêu
cầu kê biên về tài khoản ngân hàng, người dùng mạng xã hội không được chuyển tiền
theo hướng dẫn của các đối tượng, cần báo ngay cho cơ quan công an biết để ngăn
chặn hành vi lừa đảo.
Thứ bảy, đối với người làm cộng tác viên bán hàng online,
cẩn thận khi nhập hàng từ các đại lý trên mạng xã hội mà chưa có đủ thông tin,
hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng.
Thứ tám, đối với người mua hàng online không nên mua hàng
bằng hình thức đặt tiền cọc trước hoặc thanh toán trước qua mạng xã hội (trừ
các trang thương mại điện tử chính thống) chỉ khi nhận được hàng, kiểm tra đúng
chủng loại, nhãn mác, chất lượng, hóa đơn…, thì mới thanh toán đơn hàng.
Thứ chín, người dân cần nhận thức việc mua, bán số lô, đề
là vi phạm phạm luật. Khi là nạn nhân của các thủ đoạn soi cầu, số lô, số đề,
nên tố giác tội phạm, đồng thời cũng cảnh báo cho người khác phương thức thủ đoạn
lừa đảo này.
Việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng hiện nay đang là vấn đề cấp bách, nan giải. Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng mạng để tránh những rủi ro; tuân thủ theo những lời khuyên của các cơ quan chức năng khi tham gia mạng xã hội; nên chậm lại, suy nghĩ kỹ trước khi click chuột hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như wifi, bluetooth…
QUANG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét