PHÁT HUY VĂN HÓA NÊU GƯƠNG HỒ CHÍ MINH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

PHÁT HUY VĂN HÓA NÊU GƯƠNG HỒ CHÍ MINH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 



PHÁT HUY VĂN HÓA NÊU GƯƠNG HỒ CHÍ MINH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Quê hương

Văn hóa nêu gương là một biểu hiện sinh động của văn hóa Đảng. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Ðảng ta “trong sạch, vững mạnh” và bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao và phát huy tốt vai trò nêu gương trước quần chúng, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Người cho rằng: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Trước mặt mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Do đó cán bộ, đảng viên muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người còn chỉ ra nội hàm của “gương mẫu” là: “Người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”.

Văn hóa nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các nhiệm vụ, các mặt công tác, các mối quan hệ  trong đời sống gắn liền với trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm pháp lý, gồm:

Nêu gương về tư tưởng chính trị: Nêu gương về phẩm chất chính trị là nghĩa vụ, bổn phận của cán bộ, đảng viên. Đảng viên phải luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, không sợ khó khăn, gian khổ; luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải luôn gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực đấu tranh chống lại quan điểm sai trái, thù địch của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong. Mọi cán bộ, đảng viên phải “không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”. Đó là những phẩm chất tạo nên giá trị nhân cách đạo đức của người cán bộ cách mạng, hoàn toàn đối lập với mọi phẩm chất đạo đức tiêu cực như: hiếu danh, kiêu ngạo, ham muốn vật chất, nói không đi đôi với làm.

 Nêu gương về tự phê bình, phê bình: Mỗi tổ chức đảng coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên “như rửa mặt hàng ngày”, tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình có kết quả thì tự phê bình và phê bình phải “phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm,… khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa”. Cán bộ đảng viên phải “tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau”; “cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo”, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình, “tự soi và tự sửa”.

          Nêu gương về quan hệ với nhân dân: Để giữ vững mối liên hệ với nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần “nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân”. “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng được Đại hội XIII của Đảng bổ sung, phát triển.

Nêu gương về trách nhiệm trong công tác: Người cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là người nhận thức đúng vị trí, vai trò của mình “phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác”. Người cán bộ, đảng viên chỉ có thể khẳng định vai trò và uy tín của mình đối với quần chúng bằng trí tuệ, sự hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ “chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm”. Đồng thời phải kiên quyết chống “tư tưởng cục bộ, bè phái” và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.

Nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật: Uy tín của Đảng bắt nguồn tự sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân. Để giữ vững kỷ luật của Đảng, trước hết cán bộ, đảng viên phải “thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị”. 

 Nêu gương về đoàn kết nội bộ: Cán bộ, đảng viên cần phải “chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; công tâm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ”. 

Văn hóa nêu gương được thể hiện trong văn hoá của từng cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng. Vì vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải phát huy văn hoá nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ”, đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét