“LỢI ÍCH NHÓM” - NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG
- Dong Nguyen -
Mặt trái của “lợi ích nhóm” đã và đang tạo nên những hệ lụy, hậu quả nặng nề cản trở sự phát triển đất nước, là vấn đề được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và được dư luận xã hội quan tâm, lên án.
“Lợi ích nhóm” tích cực là lợi ích
chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp,
tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích
nhóm tích cực là một nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên. Lợi ích của các
thành viên trong tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật… cũng
là lợi ích nhóm tích cực. Như vậy, lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng,
hợp pháp, phù hợp, không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc quốc gia, hướng tới
và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia.
“Lợi ích nhóm” tiêu cực là lợi ích
cục bộ của những đơn vị, địa phương, của những nhóm người xác định, xung đột,
mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và thậm chí với quốc gia,
dân tộc. Ở đây, cần phân định mức độ nguy hiểm, tác hại của các loại lợi ích nhóm
tiêu cực.
“Lợi
ích nhóm” tiêu cực cũng đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và vai trò
lãnh đạo của Đảng; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm đảo lộn những
chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội. Hiện tượng đó gây bất bình trong quần chúng
nhân dân, tạo cơ hội để các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Nếu
không nhận diện và có những biện pháp phòng, chống kịp thời, “lợi ích nhóm”
tiêu cực sẽ trở thành nguy cơ gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của
Đảng, Nhà nước và chế độ. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã sớm nhận rõ mặt tích
cực và tiêu cực, nêu cao quyết tâm chính trị trong khuyến khích mặt tích cực, đấu
tranh chống tiêu cực trong “lợi ích nhóm” ở Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm
tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống
kinh tế - xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích
nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã
hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây: (1) Tạo quan hệ với cấp trên, với
cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể “hối lộ” dưới mọi hình thức để
giành được kinh phí, đề tài, dự án… cho đơn vị, địa phương… trong khi có thể bố
trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn.
(2) Tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được
bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia
đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công
tác đó. (3) Nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có
thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ
trương đầu tư hoặc giành được các dự án “phát triển kinh tế - xã hội” nhằm mục
đích kiếm lợi, có chi trả % cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc
hiệu quả thấp, miễn là “có việc” là “có ăn”. Người có chức quyền, thoái hóa,
biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá
nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả % đậm hơn. (4) Các doanh nghiệp là
“sân sau”, đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm
lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau.
Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của “sếp” tạo dựng
uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của “sếp”, để “sếp” được vào những vị
trí công tác mong muốn… Đến lượt “sếp” phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các
doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án “béo bở”, cất nhắc
họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc… (5) Một bộ phận cán bộ,
công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm
tra, giám sát, cơ quan điều tra… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình
hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh
tra, kiểm tra, điều tra… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các
đối tượng này.
Để
phòng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực hiệu quả nhất, thì các tổ chức đảng, tổ
chức chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cần thực hiện đồng bộ những
vấn đề chủ yếu sau:
Một
là, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về cuộc đấu tranh phòng,
chống “lợi ích nhóm” tiêu cực. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm
cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nhận thức đúng đắn yêu cầu bức thiết
của cuộc đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực. Cần phải thấy rõ việc
tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc
của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta.
Hai
là, tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và
triển khai thực hiện tốt cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nói chung và
pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng, nhất là trong lĩnh
vực quản lý đất đai, kinh tế, tài chính, ngân hàng, về thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán...
Ba
là, tập trung chỉ đạo, làm tốt và làm thường xuyên công tác kiểm tra,
thanh tra, điều tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời tích cực giám
sát, phát hiện, triệt tiêu các biểu hiện móc nối giữa các đối tượng phải thanh
tra, kiểm tra với một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các
cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, từ đó mới có thể chống được hiện
tượng che chắn khuyết điểm, làm nhẹ tội, chạy tội của các đối tượng này.
Bốn
là, xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những vụ việc đã được phát hiện; cần
phải có biện pháp kiên quyết, nghiêm minh đối với những người dính líu vào tiêu
cực “lợi ích nhóm”, bất kể ở chức vụ nào, thời điểm nào.
Năm là, cần phải gắn đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, với công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu từ trong Đảng, xây dựng hình ảnh mẫu mực về Đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy định, chính sách để khuyến khích các cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương, điển hình về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Nhận diện rõ “lợi ích nhóm” chính là cơ sở để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực trong xã hội hiện nay. Đó chính là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân nhân nhằm xóa bỏ lực cản lớn trong xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét