- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

 MUÔN VÀN TÌNH THƯƠNG YÊU BÁC HỒ DÀNH CHO THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG



        Chúng ta ai cũng qua tuổi thiếu niên, hẳn không bao giờ quên tình cảm yêu thương, những lời ân tình của Bác Hồ. Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho thiếu niên, nhi đồng, Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết Trung thu… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành” cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình cảm yêu thương vô bờ bến, là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát từ niềm tin rằng các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh. Niềm tin, sự quan tâm của Bác được thể hiện phần nào qua những vần thơ, bức thư chan chứa tình cảm Người viết cho thiếu niên, nhi đồng, với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Người căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua, học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.

Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Bác dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Trong Di chúc của mình, Bác Hồ 2 lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Là một nhà giáo dục vĩ đại, Bác Hồ coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục. Nói chuyện với lớp cán bộ đào tạo mẫu giáo, Bác nhắc nhở: “... Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. Bà Lê Thu Trà kể rằng: Trong một lần bà chuẩn bị cho Bác một bài báo về tình hình công tác thiếu nhi, có đoạn: “ ... Song còn một số ít cháu hư vì chưa được chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn” đọc đến đây Bác dừng lại, nét mặt đăm chiêu, Bác nói: “Nói các cháu hư thì nó sẽ hư mãi. Với các cháu không nên khẳng định là các cháu hư mà nói là các cháu chậm tiến. Chậm tiến tức là chưa tiến bộ, mà chưa tiến bộ, được sự chỉ bảo dìu dắt, giúp đỡ, các cháu sẽ tiến bộ”.

Về nội dung giáo dục ở các cấp học, Bác nhắc nhở nhiều lần: “Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”. Bác căn dặn: Mai sau, các cháu sẽ là chủ của nước nhà, cho nên ngay từ lúc này các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Năm 1964 sau khi Bác nghe bà Lê Thu Trà báo cáo về tình hình thiếu nhi, Bác nói: “Thời gian qua các cháu làm được nhiều việc tốt, nhiều cháu được Bác khen thưởng huy hiệu của Bác. Động viên khen thưởng các cháu là việc nên làm, cần phải làm. Nhưng được khen nhiều các cháu cũng dễ sinh tự kiêu, tự mãn, vì vậy Bác muốn thêm hai chữ “khiêm tốn” vào điều 5, thành: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bác nói tiếp: “Ba điều trên 6 chữ, hai điều dưới chỉ có 4 chữ, nay thêm hai chữ khiêm tốn và điều 5, còn điều 4 chỉ có 4 chữ: “giữ gìn vệ sinh” mới giữ gìn vệ sinh thôi chưa đủ, với các cháu cần phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Bác thêm hai chữ “thật tốt” vào điều 4”. Như vậy 5 điều của Bác đều có 6 chữ, đủ nghĩa và để các cháu dễ nhớ. Những điều Bác dạy về nhi đồng, về việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Bác đã đi xa, nhưng lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Người hằng mong.

An Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét