ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN, CON ĐƯỜNG CỦA KHÍ PHÁCH VÀ TRÍ TUỆ VIỆT NAM - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN, CON ĐƯỜNG CỦA KHÍ PHÁCH VÀ TRÍ TUỆ VIỆT NAM

 Tony Tèo


Sau Hiệp định Giơnevơ nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời là hậu phương cho tiền tuyến Miền Nam giành lại chính quyền đang đặt dưới sự cai trị Ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra nhu cầu bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.

Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 559 để xây dựng đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia. 

Vì ngày thành lập Đoàn 559 trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây, con đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh” - cái tên đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân Việt Nam. Đoàn 559 có nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân. Với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để đảm bảo bí mật tối đa, Đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng.

Với tinh thần quả cảm, sáng tạo và sự nỗ lực phi thường của Đoàn 559, hệ thống đường Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng, thực hiện được yêu cầu vận chuyển quy mô lớn mà Quân ủy Trung ương giao.

Đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận tải chiến lược không thể chia cắt của Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát huy cao độ ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” hay “máu có thể đổ, đường không thể tắc”.

Trong giai đoạn đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12-1961, xe cơ giới bắt đầu được đưa vào phục vụ và sau đó tăng lên nhanh chóng.

Trong 16 năm từ năm 1959 đến năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã cùng quân, dân Việt Nam các chiến trường từng bước xây dựng con đường thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước, với tổng chiều dài 20.000km đường ôtô, 60km đường sông, 1.400km đường ống dẫn dầu, 1.500km đường dây thông tin.

Lực lượng bộ đội Trường Sơn cũng đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa 650.000 lượt cán bộ, chiến sỹ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh; tổ chức vận chuyển trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam.

Trong hơn 10 năm, máy bay Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển, gần 4 triệu tấn bom được rải xuống nhằm phá đường, phá xe, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này.

Tuy nhiên, điều làm Mỹ bất lực là đường Hồ Chí Minh không những không bị cắt đứt, mà ngày càng trở nên tinh vi và hoàn thiện hơn.

Không những vậy, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh khác và vô hiệu hóa “Hàng rào điện tử McNamara” của Mỹ. Do vậy, Quân đội Mỹ phải thừa nhận, đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Có thể nói, Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  của dân tộc Việt Nam, là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng; là một công trình vĩ đại nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét