“XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH" – ĐỈNH CAO CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

“XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH" – ĐỈNH CAO CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG

TG: Sân trường Hồng Lĩnh

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nước Pháp. Nhằm giải quyết những khó khăn và mâu thuẫn trong nước, thực dân Pháp đã tiến hành mọi thủ đoạn, biện pháp tăng cường vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Điều đó càng làm cho mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và bè lũ tay sai lên tới đỉnh điểm. Trong bối cảnh cơ cực lầm than đó; ngay khi vừa mới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ; lấy địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh là một trọng điểm khởi đầu của phong trào, do các tổ chức Đảng ở đó trực tiếp tổ chức lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phong trào cách mạng 1930-1931 diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đây là mốc son chói lọi mở đầu trang sử oanh liệt hào hùng của cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, đây là khởi nguồn quan trọng của cao trào cách mạng 1930 -1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân lao động công khai chính thức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động với nhiều hình thức tổ chức đa dạng thu hút quần chúng tham gia như: treo cờ Đảng, rải truyền đơn, mít tinh, tiêu biểu có công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận Vinh - Bến Thủy đã rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị. Trong phong trào đấu tranh, đã biểu hiện rõ vai trò lãnh đạo và tính tiên phong của giai cấp công nhân, sự phối hợp giữa các cuộc bãi công của công nhân với các cuộc biểu tình của nông dân thể hiện sự gắn bó mật thiết của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và nhân dân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ với quy mô ngày càng rộng lớn đã có liên tiếp cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động tham gia chống thực dân, phong kiến lan rộng khắp trong cả nước, nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, mở đầu cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Cao trào đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh quyết liệt, quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Trên đà phát triển mạnh mẽ đó, ngày 1/8/1930 đã nổ ra cuộc Tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh- Bến Thủy, Nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh đã kéo lên huyện đường đấu tranh; ngày 30-8-1930, nông dân Nam Đàn khoảng 3.000 người phá huyện đường, thả tù chính trị. Ngày 1/9/1930, khoảng 20.000 nông dân Thanh Chương đã kéo lên đốt huyện đường, thả tù chính trị, trừng trị bọn phản động gian ác, đánh dấu một thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh quyết liệt “đòi dân chủ và độc lập dân tộc”. Tiếp đó, khắp các địa phương của Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ. Đặc biệt, ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu cách mạng “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến!”. Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là những đội viên tự vệ, dòng người biểu tình ngày càng đông lên tới 30.000 người. Trước tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp man rợ, dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương. Nhưng sự khủng bố đẫm máu của bọn thực dân không thể làm giảm tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân, phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ -Tĩnh mà phong trào ngày càng phát triển lan rộng ra ở nhiều địa phương, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của Đế quốc, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi.Trước tình hình chính quyền địch tan rã, các Chi bộ đảng và Nông hội đỏ đã chủ động thiết lập, đứng ra điều hành, quản lý mọi mặt đời sống chính trị- xã hội ở nông thôn và làm nhiệm vụ của chính quyền Nhân dân theo hình thức Xô viết, thi hành nhiều chính sách tiến bộ, chính đáng cho Nhân dân. Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng và ngọn lửa Xô viết rực sáng, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường lực lượng đàn áp và tiến hành cuộc khủng bố trắng vô cùng tàn bạo, dìm các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta trong bể máu, nhiều cơ sở Đảng bị đàn áp, nhiều đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày, chém giết, nhiều làng xóm bị tàn phá, thiêu rụi. Do đó, Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931. Mặc dù, hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm cùng với một chính quyền kiểu mới thực sự do Nhân dân làm chủ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí quần chúng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng độc lập tự do, nung nấu ý chí quyết tâm làm cách mạng đến cùng của Nhân dân ta.

Trải  qua 93 năm đã trôi qua nhưng tinh thần, hào khí của Xô Viết - Nghệ Tĩnh luôn bất diệt, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Xô Viết - Nghệ Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho đất nước ta vững bước thực hiện thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Với cao trào 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết – Nghệ TĨnh đã để lại cho Đảng ta và nhân dân ta nhiều bài học có ý nghĩa to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong một khối đấu tranh thống nhất của Đảng; thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân, đồng thời khẳng định được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Phát huy tinh thần Xô Viết - Nghệ Tĩnh trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp  xây dựng và bảo vệ  vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống, Đảng ta luôn phát huy những giá trị cao đẹp, xác định đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”. Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, liên minh công - nông trong phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh mãi mãi là ngọn lửa cho sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới, và nó đãđang được Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam vận dụng trong giai đoạn cách mạng hiện nay phấn đấu vì mục tiêu“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét