An Nhiên
Trong khí thế hừng hực của Nam Bộ kháng chiến, quyết
chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1948, bài hát “Tiểu đoàn 307” vang lên
khắp các chiến trường, thôi thúc quân dân ta anh dũng chiến đấu:
“Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông...”.
Tháng 5-1948, Tiểu đoàn 307 thuộc Quân khu 8 được
thành lập và liên tiếp đánh thắng giòn giã với các trận Tháp Mười, Mộc Hóa, La
Bang... Để biểu dương chiến công của Tiểu đoàn 307, khích lệ tinh thần chiến đấu
chung, Quân khu 8 mở cuộc thi sáng tác văn nghệ. Nhà thơ Nguyễn Bính, khi đó
công tác tại Nam Bộ đã hưởng ứng cuộc vận động bằng bài thơ “Cửu Long Giang”.
Nguyễn Hữu Trí lúc đó hoạt động ở Quân khu 8, đã sáng tác ca khúc “Tiểu đoàn
307” dựa trên ý thơ của Nguyễn Bính: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu
Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng Tiểu
đoàn ba trăm lẻ bảy”... Bài hát nhanh chóng được phổ biến bắt đầu từ các trung
đội thuộc Tiểu đoàn 307, lan ra các đơn vị trong Quân khu 8 và truyền đi khắp
Nam Bộ. Ngày 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt
Nam, lan nhanh trong bộ đội và Nhân dân cả nước, như một khúc quân ca của Đội
quân bách chiến bách thắng. Bài hát đã được trao giải Nhì trong cuộc vận động
sáng tác văn nghệ lúc bấy giờ.
Năm 1954, các chiến sĩ Tiểu đoàn 307 được lệnh tập kết
ra Bắc.
Ra miền Bắc xây dựng Quân đội một thời gian, nhiều đồng
chí trong Tiểu đoàn lại được trở về Nam tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Đã có nhiều đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, cán bộ trung cao cấp trong
Quân đội, nhiều tổng giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ các tỉnh, các ngành trưởng
thành từ Tiểu đoàn 307. Tiểu đoàn 307 hiện nay mang phiên hiệu mới là Tiểu đoàn
2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 - Quân khu 9. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng
tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2005), Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 307 vì những thành
tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp.
Nguyễn Hữu Trí (1917-1979) tên thật là Nguyễn Văn Bảy,
quê Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông say mê âm nhạc từ nhỏ, chơi được nhiều nhạc cụ.
Sau năm 1945, ông tham gia Việt Minh, phụ trách đội quân nhạc Quân khu 8. Ông
còn sáng tác một số bài khác như “Phá đường” (phổ thơ Tố Hữu), “Ba người chiến
sĩ năm 40”, “Tiếng chuông uất hận”... Năm 1952, Nguyễn Hữu Trí bị bệnh nặng, phải
về nhà chữa trị. Từ đó cho đến năm 1979, ông dạy học, dạy nhạc và sống ở xã
Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho tới ngày qua đời vì tai biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét