CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO MỚI - MỜI THAM GIA "CUỘC THI BÌNH CHỌN" TRÊN MẠNG XÃ HỘI - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO MỚI - MỜI THAM GIA "CUỘC THI BÌNH CHỌN" TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 Hoa Lê ki ma

Thời gian gần đây, có rất nhiều người đã bị các đối tượng dùng chiêu trò mời tham gia cuộc thi bình chọn qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Dù nhiều cảnh báo liên tục được đưa ra trên các  kênh thông tin, nhưng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng tăng lên. Bên cạnh những chiêu trò mời gọi, cho vay tiền có thể gây hệ lụy khó lường như nhắn tin, gọi video qua Zalo, Messenger,…, hiện nay lại xuất hiện thêm một thủ đoạn lừa đảo mới là mời kết bạn từ một người thân sau đó nhờ tham gia bình chọn một cuộc thi như: English champion, các cuộc thi học sinh thanh lịch…

1. NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT HÀNH VI LỪA ĐẢO MỜI THAM GIA CUỘC THI BÌNH CHỌN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Thực tế cho thấy, có nhiều cuộc thi trên mạng, mà người tham gia càng có nhiều lượt bình chọn thì khả năng giật giải thưởng là điều tất nhiên, nên họ đã nhờ nhiều bạn bè, người quen trên mạng xã hội (MXH) tham gia bình chọn cho mình, cho con, cho cháu, cho bạn mình… Tin tặc đã lợi dụng việc này, tìm cách đưa những đường link giả mạo, xâm nhập vào một tài khoản cá nhân và gửi lời mời bình chọn cho tất cả các tài khoản khác là bạn bè, người quen của “chủ facebook” và nếu ai chấp nhận lời yêu cầu tham gia bình chọn và làm theo hướng dẫn của bọn chúng thì coi như facebook của nạn nhân đã bị tin tặc chiếm mất. Sau khi hack xong, các tin tặc nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ tài khoản thường nhắn tin rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau; sau đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, hẹn mấy giờ trong ngày chuyển trả lại rồi chúng chiếm đoạt.

Không dừng lại ở đó, tin tặc còn lợi dụng nhu cầu bức thiết khôi phục tài khoản, chúng nhắn tin vào số điện thoại, hay bình luận vào tin nhắn của facebook cá nhân để tiếp tục lừa đảo. Nếu người dùng cả tin, liên hệ với số điện thoại chúng cung cấp, hay gửi giấy tờ tùy thân… cho chúng thì coi như lại bị lừa thêm một lần nữa. Và có khả năng facebook của người dùng mất quyền kiểm soát luôn. Chúng sẽ chiếm đoạt trang để tống tiền, lừa đảo hoặc xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn…

Chẳng hạn như cuộc thi bình chọn English Champion 2023. Đầu tiên, những kẻ gian sẽ gửi các link có nội dung nhờ bình chọn các cuộc thi danh hiệu học sinh trong các cuộc thi ở trường. Để khiến nạn nhân tin tưởng, đường link được gửi có hẳn đuôi  “Weebly.com” hoặc "edu.vn" - tên miền website dành riêng cho các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục tại Việt Nam và làm theo hướng dẫn của đường link bình chọn. Sau đó chúng sẽ dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tài khoản của nạn nhân (chúng ta hay gọi là hack Facebook) và tiếp tục dùng tài khoản mới bị chiếm đoạt đó để mời gọi bạn bè trên Facebook tham gia bình chọn và vay mượn tiền những người bạn trên facebook của nạn nhân.

2. CẦN CÓ Ý THỨC CẢNH GIÁC KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI NHẤT LÀ FACEBOOK, ZALO

Trước những cách thức mới của tin tặc lừa đảo trên mạng xã hội nhất là qua Facebook, Zalo, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, người dùng mạng xã hội cần có ý thức cảnh giác cao. Theo các chuyên gia, người dùng không nên click (trên máy tính) hoặc nhấn (trên điện thoại và máy tính bảng) vào các bài đăng lạ, bỏ qua những thông tin được người lạ tag vào và đặc biệt lưu ý kiểm tra kỹ địa chỉ của trang web trước khi điền bất cứ thông tin gì.

Người dùng Facebook cũng nên bật tính năng xác thực hai lớp, đồng thời thường xuyên thay đổi mật khẩu với những tài khoản quan trọng. Người dùng Facebook, Zalo… tuyệt đối không nhập thông tin cá nhân vào những trang đáng nghi ngờ, chưa rõ nguồn gốc và làm theo chỉ dẫn trên đó. Còn lỡ nhập và cảm thấy bất thường, người dùng nên lập tức đổi mật khẩu hay khóa tài khoản Facebook, Zalo, thẻ ngân hàng… để tránh bị đánh cắp.

Quan trọng hơn, mỗi người dùng mạng xã hội luôn tự giác chấp hành pháp luật, nhất là luật an ninh mạng; chú trọng quan tâm, theo dõi các khuyến cáo của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước về mạng xã hội, từ đó hiểu rõ hơn về các chiêu trò mới của tin tặc và các đối tượng xấu khác; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin đa chiều, có chọn lọc để phòng tránh rủi ro; luôn đề cao cảnh giác, nhận biết được dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Chủ động, kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, khắc phục sự cố khi bị hack tài khoản, giúp cơ quan có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu. Từ đó, cùng cộng đồng mạng nêu cao ý thức phòng ngừa, không rơi vào bẫy của kẻ xấu; đồng thời chia sẻ, lan tỏa thông tin về cách thức phòng ngừa hữu hiệu các chiêu trò lừa đảo; góp phần làm cho môi trường mạng xã hội trong sạch, an toàn và ngày càng hữu dụng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét