Tony Tèo
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành,
sinh ngày 4/10/1920, quê ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế
(Việt Nam).
Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản
Đông Dương lãnh đạo đang bùng lên mạnh mẽ trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, Tố Hữu
đã mau chóng tiếp thu lý tưởng cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh
niên Dân chủ ở Huế. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng
4/1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung - Tây
Nguyên. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, tìm về gây cơ sở và chắp nối liên lạc với tổ
chức Đảng ở tỉnh Thanh Hóa, được Trung ương Cộng sản Đông Dương phái vào tổ chức
Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên
- Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó
Bí thư Xứ ủy. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Thừa Thiên - Huế,
ông đã cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành
công ở Huế - kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước Việt Nam lại
bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống
nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, đồng
chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng
và vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tố Hữu
luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến
đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam, Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường
miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng
tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh
hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi
cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết của
mình, nhà thơ Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ
nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó, năm 1980, đồng chí được bầu là Ủy
viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối
ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa VII, rồi Phó Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Tháng 3/1982, tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tố Hữu được bầu lại vào
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực
Hội đồng Bộ trưởng; từ tháng 6/1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư
tưởng và văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam... Ông mất ngày 9/12/2002 tại Hà Nội.
Có thể nói, với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng,
nhà văn hóa, nhà thơ, Tố Hữu đã truyền cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp
cách mạng gian khổ, anh dũng mà vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Với những đóng
góp của mình, nhà thơ Tố Hữu đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất giải
thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho tập thơ “Việt Bắc”, Giải thưởng
Văn học ASEAN năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm
1996. Đảng và Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Tố Hữu bằng những
phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều
Huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác.
Trải qua 82 tuổi đời, gần bảy mươi năm hoạt động cách
mạng liên tục và làm thơ; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh
nghiệm hoạt động cách mạng dạn dày, Nhà thơ Tố Hữu là một nhà cách mạng, một
nhà tư tưởng - văn hóa xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Ông đã
nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một
nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi trong
lòng nhân dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét