BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Kim Anh

Tư tưởng chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” được nêu trong cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay

Tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại cùng với xã hội đã phân chia giai cấp và xuất hiện nhà nước. Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra các hậu quả hết sức tai hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội và có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế. Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn liền với mỗi quốc gia. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, biện pháp để phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc ra đời cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đây là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Trong đó có những tư tưởng, quan điểm trở thành phương châm chỉ đạo hành động xuyên suốt, quyết liệt, điển hình đó là tư tưởng chỉ đạo “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” được nêu trong cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Trong cuốn sách, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào khi quyền lực chính trị bị tha hóa. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, trình độ quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện tạo nên nhiều “kẽ hở” để một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền lợi dụng để trục lợi là khó tránh khỏi. Do đó, Đảng ta đã chỉ ra rõ tham nhũng là một loại “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đó là nhận thức đúng đắn, rõ ràng của Đảng, của người đứng đầu Đảng ta về bản chất, tác hại của tham nhũng.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, các quan điểm chỉ đạo ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”. Đây là điểm đột phá và cũng là dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ trước tới nay.

Tư tưởng chỉ đạo “Không vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, là điều mà trước đây chưa thực hiện được. Điều đó thể hiện chúng ta vượt qua giới hạn mà tưởng chừng bao lâu rồi chúng ta khó có thể phá vỡ. Lâu nay, dư luận thường cho rằng “chỉ tắm từ vai tắm xuống”, tắm chân, tắm tay, nghĩa là có những người nghĩ ở cương vị đó là “bất khả xâm phạm” được “miễn trừ”...Nhưng với quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “Không vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai” về mặt tâm lý đã gột sạch tư tưởng “khoanh vùng” và đây chính là tuyên ngôn kỷ luật của Đảng và cũng chính là tuyên ngôn của công lý, pháp luật của nhà nước thể hiện rõ: Mọi đảng viên không phân biệt đảng viên đó giữ chức vụ hay không giữ chức vụ, chức vụ cao hay thấp; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tư tưởng chỉ đạo này, một lần nữa củng cố vững chắc về mặt tâm lý chính trị, tâm lý xã hội đặt trên nền tảng quốc pháp tức là hệ thống pháp luật của nhà nước và đặt trên cương vị của đảng. Điều đó phù hợp với mong muốn của nhân dân, thậm chí còn là tư tưởng đã vượt ra khỏi phạm vi của một cuốn “cẩm nang”, vì nó chứa đựng những quan điểm, những tư tưởng lớn, phát triển tư duy mới của Đảng và Nhà nước ta. Điều này được thể hiện rất rõ: Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022 kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ trì và phát biểu kết luận chỉ đạo tại 4 Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong các Hội nghị, phiên họp, cuộc họp của đồng chí Tổng Bí thư là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Qua đó, khẳng định những bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, để lại những dấu ấn tốt đẹp và sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thực tiễn trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được minh chứng tư tưởng chỉ đạo: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Bất cứ ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm qua hoạt động công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể:

Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Điển hình gần đây nhất là vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á cơ quan chức năng xử lý  kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người (trong đó có 3 ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 3 thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang và đến nay đã xử lý hình sự 99 trường hợp); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan (đã khởi tố 40 bị can, trong đó có 2 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, 2 vụ trưởng, cục trưởng,...). Vừa rồi chúng ta cũng đã phát hiện, xử lý một số vụ án tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu (các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC,...) và ngay trong chính lực lượng chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan bảo vệ pháp luật vừa qua cũng xảy ra những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Những “con số’" về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự nói trên đã cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là “tuyên ngôn” mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Có thể nói, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Tổng Bí thư đã nhiều lần nói rằng: Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”[1] .

Sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam diệu kỳ thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, cả trong những lĩnh vực công tác mà lâu nay được cho là “nhạy cảm”, cả trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng...

Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá trong Hội nghị toàn quốc năm 2022. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “...Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy quan điểm chỉ đạo trên của đồng chí Tổng Bí thư cũng là quan điểm của Đảng,  từ đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Qua nghiên cứu, quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy: Đây là hệ thống tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên, và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, chúng ta cần lan toả, làm sâu sắc hơn giá trị của cuốn sách vận dụng linh hoạt, cập nhật nội dung cuốn sách trong các cương vị công tác. Là cán bộ, đảng viên của Đảng chúng ta phải luôn rèn luyện đạo          đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”, luôn “tự soi” “tự sửa”. Và phải luôn tiên phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Đó là cách thiết thực nhất mà chúng ta lĩnh hội thực hiện từ giá trị mà cuốn sách mang lại./.

 

                                               

 



[1]  Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, HN, tr.120

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét