TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT

Bình Vũ


Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR, là một công ước quốc tế do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966).

Theo quy định tại Điều 19, Công ước ICCPR: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, theo quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối.

Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25).

Quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. 

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…). Cụ thể hơn, Nghị định 15/2020 đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022), quy định "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".  Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như:Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)… Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17/6/2021 cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật...

Như vậy, mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đã kể trên đều là vi phạm pháp luật. Do đó, mọi người thể hiện quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định, không thể sự dụng quyền này để công kích, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân khác. Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Bên cạnh các quy định của pháp luật, các biện pháp quản lý không gian mạng từ cơ quan có thẩm quyền thì vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người thông qua cơ chế giám sát cũng hết sức cần thiết.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Nhưng chưa bao giờ môi trường ảo này lại có nhiều tác động tiêu cực tới con người như hiện nay. Tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận phát tán tin giả, tin sai sự thật; đăng tải, phát tán các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, kích động bạo lực trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp. Với độ phủ sóng rộng cùng một lượng lớn thời gian hoạt động và tương tác trên các nền tảng xã hội, những gì người sử dụng thu nhận được sẽ tác động không nhỏ đến việc hình thành tư tưởng và phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống, nhất là ở nhóm đối tượng vị thành niên - lứa tuổi dễ đi theo những luồng tư tưởng mới, dễ bị tổn thương và kích động tâm lý. Theo số liệu thống kê tính tới tháng 4/2023 của Napoleon Cat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã Hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 85.100.000 (Tám mươi lăm triệu một trăm nghìn)  người, chiếm hơn 84,1% dân số toàn quốc. 

Để hạn chế tình trạng tấn công cá nhân trên mạng xã hội thì trước tiên các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của không gian mạng… 

Quan trọng hơn, người sử dụng mạng Internet cần luôn nêu cao trách nhiệm của mình trong việc xây dựng dựng môi trường mạng trong sạch, an toàn; luôn chủ động học hỏi, tìm hiểu để tự nâng cao nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin; hình thành thói quen hành xử tích cực trên môi trường mạng. Điều này có ý nghĩa then chốt và lâu dài để mỗi người dân (trong cộng đồng mạng) trở thành bộ lọc thông tin hiệu quả cho chính mình và cộng đồng, biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì, người tham gia mạng xã hội cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép; không đăng tải, lan tỏa thông tin vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật, nhất là việc “livestream”. Mạnh dạn sử dụng tính năng report để báo cáo vấn đề tiêu cực, đề xuất với nhà quản lý các tài khoản Youtube, Facebook… để họ sàng lọc nội dung, ngăn chặn hoạt động của các trang xấu, độc; gỡ ngay các thông tin, clip, livestream có nội dung vi phạm.

Nói tóm lại, các hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều sẽ bị xử lý. Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các hạt giống cả tốt lẫn xấu, điều quan trọng là chúng ta sử dụng nó như thế nào và với mục đích gì cho cuộc sống. Thực hiện quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do ngôn luận trên mạng nói riêng là điều hoàn toàn chính đáng và được pháp luật đảm bảo. Trong đó, mỗi công dân mạng cần trang bị những hiểu biết nhất định về các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, rèn luyện tư duy tích cực và biết điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân, nhằm góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ, văn minh và phát triển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét