- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

VAI TRÒ CỦA TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Tony Tèo


Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tình hình và cục diện đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam chuyển biến mau lẹ. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/01/1961 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng Lao động Việt Nam, mô hình tổ chức Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Đây là một loại hình cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược đặc thù, vừa là một bộ phận chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị vừa có tính độc lập rất cao, được xây dựng ở Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn chiến trường Nam Bộ, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đối với một địa bàn rộng lớn, luôn bị chia cắt, lại ở xa Trung ương.

Sự ra đời của Trung ương Cục miền Nam là một sáng tạo to lớn trong công tác tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, thể hiện sự trưởng thành về tư duy lãnh đạo, tư duy tổ chức, bản lĩnh cách mạng trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tổ chức của chính Đảng theo chủ nghĩa Mác -Lênin, phù hợp hoàn cảnh Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam làm nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, giữ vai trò chủ chốt trong quá trình hoạt động cách mạng. Đường lối chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, của Bộ Chính trị và những quyết định về tổ chức Trung ương Cục có vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Ngày 16/06/1961, Trung ương Cục ra chỉ thị: Thiết thực đẩy mạnh công tác dân vận - mặt trận để tiến kịp với tình hình phát triển hiện nay. Nhấn mạnh yêu cầu, tích cực và khẩn trương phát triển tổ chức quần chúng cho thật rộng, thật nhiều nhưng phải đảm bảo vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng đã đề ra. Tháng 10/1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam đã họp tại Chiến khu Đ Đồng Nai. Hội nghị thảo luận và quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị, phân tích cụ thể và sâu sắc tình hình mọi mặt của cách mạng miền Nam, nêu rõ phương hướng tiến lên và phát triển của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất nước Việt Nam.

Trong khoảng thời gian gần 15 năm (1961 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam mà trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trung ương Cục miền Nam đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng Lao động Việt Nam vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong tất cả các bước phát triển của chiến tranh cách mạng, đều thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh của kẻ thù. Đặc biệt, là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 29/3/1975, Trung ương Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 15, ra quyết định đặc biệt về đẩy mạnh ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng chiến lược với phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam: “Phải thật tập trung từng giờ, từng ngày, từng tháng từ đầu tháng 4 này, nơi nào sẵn sàng vùng lên ngay cướp chính quyền, không đợi chờ đợt hay lực lượng chủ lực, cứ như thế liên tục tiến công và phát triển cho đến toàn thắng”. Nghị quyết 15 của Trung ương Cục miền Nam đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần mạnh dạn, chủ động tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam góp phần quan trọng nhân lên sức mạnh của ý Đảng lòng dân, phối hợp với các cánh quân, các binh đoàn chủ lực làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, đưa non sông Viêt Nam thu về một mối cả nước độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Trung ương Cục miền Nam đã bắt tay ngay vào việc ổn định tình hình và đời sống nhân dân. Nhờ đó, sau ngày giải phóng, khi cách mạng vào tiếp quản miền Nam, mọi thứ gần như vẫn còn nguyên vẹn, đời sống nhân dân miền Nam Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, không hề có “tắm máu”, “trả thù” như kẻ địch trước đó rêu rao.

Có thể nói, Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong chỉ đạo triển khai trực tiếp đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng Lao động Việt Nam ở miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét