CẦN HIỂU ĐÚNG Ý NGHĨA VĂN HOÁ LÌ XÌ TẾT
Lì
xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên
đán của người Việt. Cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi và tục
lệ lì xì hiện nay với một số người lại trở thành nỗi đắn đo mỗi khi Tết đến,
Xuân về.
Cứ
mỗi độ Tết đến, Xuân về lòng người lại xốn sang tiễn năm cũ đón năm mới với nhiều
nét đẹp văn hóa ngày Tết và phong tục lì xì cũng là nét đẹp ấy. Phong tục lì xì ngày Tết xuất hiện từ rất xưa
tại Trung Hoa và cũng có rất nhiều câu chuyện giải thích về sự ra đời của phong
bao lì xì này. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền
vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu an. Từ đó tục lì xì vào ngày Tết ra đời.
Ngày nay tục lì xì ngày Tết rất phổ biến ở những quốc gia châu Á như: Trung Quốc,
Việt Nam, Nhật Bản,...Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và
tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận
những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ý
nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện
chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm
cả tiền lẻ và tiền chẵn. Chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, không
muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Do đó, người nhận không mở phong bao trước
mặt người tặng. Theo phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng một, các gia đình người
Việt tụ họp đông đủ với nhau cùng thắp nén hương lên tổ tiên, cùng vui đùa ăn uống
chúc mừng năm mới. Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến ông bà,
cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ
tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc,
học tập mà người lớn muốn gửi đến trẻ.
Hiện
nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu
năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì con cháu của mình. Ngoài
ra tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa. Chỉ cần
là người đã đi làm, có thu nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha
mẹ, ông bà rồi. Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn
bè, đồng nghiệp, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau.
Tuy
nhiên, thời gian qua, văn hoá lì xì đã bị biến tướng với rất nhiều dạng và phức
tạp. Dường như người ta không quan tâm nhiều tới giá trị tinh thần của đồng tiền
đó mà chỉ để ý tới giá trị mua hàng của nó. Bên cạnh đó, có một số người còn lợi
dụng Tết, lì xì mà tạo nên dịp trao đổi vụ lợi cho bản thân, đổi tiền lì xì
thành hiện vật … Nguyên nhân cho những sự biến tướng này, phần lớn là do nhận
thức của mỗi người. Những người có lối sống hưởng thụ, thực dụng thường sẽ quan
tâm nhiều tới giá trị vật chất, có những người lòng tham vô độ, thì không biết
bao nhiêu mới đủ. Với những người hiểu biết thì họ sẽ luôn biết dừng, biết đủ
và không quan trọng hóa tới giá trị mệnh giá tiền trong những chiếc lì xì, bởi
lẽ ý nghĩa của lì xì là đem lại may mắn. Và như vậy, chỉ khi nào con người biết
cân bằng, hài hòa được giá trị vật chất và giá trị tinh thần được thì mới thấy
được giá trị của những nét đẹp văn hóa xưa, thấy giá trị của phong tục mừng tuổi
ngày Tết thể hiện tình cảm gắn bó tốt đẹp của con người trong gia đình cũng như
ngoài xã hội.
Ngày
nay, khi đời sống đã được cải thiện rất nhiều, nhu cầu vật chất được đáp ứng
quanh năm cho nên Tết Nguyên đán sẽ chủ yếu là những giá trị văn hóa tinh thần.
Do đó, phong tục mừng tuổi đầu năm vẫn nên duy trì. Nhưng điều quan trọng nhất
là phải có các công việc truyền thông, giáo dục trong các cơ quan, đơn vị, địa
phương, nhà trường và gia đình để mọi người biết được ý nghĩa cao quý của phong
tục này: trao cho nhau sự may mắn, trao cho nhau sự tốt lành. Và mong muốn sự
may mắn, tốt lành ấy sẽ làm nên một năm mới an khang, thịnh vượng, chứ đừng vật
chất hóa đồng tiền mừng tuổi ngày tết. Những người hành xử như thế thì chẳng hiểu
gì về nét đẹp văn hóa. Đặc biệt, những bậc làm cha mẹ, cần dạy cho các con hiểu
ý nghĩa sâu xa của tục lệ mừng tuổi. Cần hướng dẫn cho con trẻ có thái độ đúng
đắn mỗi khi nhận bao lì xì. Và định hướng cho các con cách sử dụng món quà ấy
thật ý nghĩa. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải tự thay đổi chính mình, từ nếp
nghĩ, cách ứng xử và quan trọng là dành thật nhiều sự quan tâm cho con trẻ.
Những
chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm,
sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết
nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một
nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Hải Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét