PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI – DẤU SON CHÓI LỌI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954),
đất nước Việt Nam tạm
thời chia làm hai miền. Ở miền Nam, Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng
Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Chúng tiến hành
nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Cam Lộ, Hướng Điền, Chợ Được, Củ Chi, Mỏ Cày;
đồng thời thực hiện biện pháp chiến lược mang tên “tố cộng, diệt cộng” nhằm
loại bỏ những người cộng sản, triệt phá tổ chức và tư tưởng cộng sản. Đến đầu
năm 1959, với việc ban hành “Luật 10-59”, Mỹ - Diệm đã tăng cường sử dụng bạo
lực phát xít, lê máy chém khắp miền Nam, thẳng tay sát hại hàng vạn người kháng
chiến cũ và đàn áp dã man đối với nhân dân miền Nam Việt Nam yêu nước.
Trước tình hình đó,
tháng 01/1959, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam
xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là
khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh quần chúng nhân dân,
dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ
trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính
quyền cách mạng của nhân dân”.
Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam như một luồng sinh
khí thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong đồng bào miền Nam. Nhân
dân và lực lượng vũ trang đã kết thành một khối đại đoàn kết, thống nhất, phát
huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiến hành đồng khởi
trên khắp vùng nông thôn miền Nam, tiêu biểu là cuộc nổi dậy ở Bác Ái (2/1959),
khởi nghĩa ở Trà Bồng (8/1959),… Đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh
mẽ trở thành cao trào Đồng khởi ở Bến Tre (17/01/1960). Từ Bến Tre, phong trào
như “triều dâng thác lũ”, nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu
Long, miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu
người, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái cùng
chung sức, đồng lòng đứng lên khởi nghĩa, tạo nên một phong trào cách mạng mạnh
mẽ, rộng khắp, hết đợt này đến đợt khác, lần lượt san phẳng đồn bốt địch, xóa
bỏ ách kìm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, giành quyền làm chủ quê hương. Đến
cuối năm 1960, nhân dân miền Nam đã làm tan rã trên 2/3 chính quyền địch ở nông
thôn, thành lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã trên tổng số 2.627 xã ở miền Nam
(trong đó, Nam Bộ là 984 xã, Khu 5 là 379 xã), giải phóng 5,6 triệu dân. Phong
trào đã huy động được hàng triệu người tham gia đấu tranh chính trị trực diện,
thu lại 17 vạn hécta đất bị Mỹ - Diệm cướp trả về cho nông dân… Cách mạng đã làm chủ được một vùng căn
cứ rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược, nối từ Tây Nguyên xuống miền Đông, miền Tây
Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng Khu 5; đồng thời, phong trào Đồng khởi ở nông thôn
đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định. Trên khắp
miền Nam Việt Nam,
từ thành thị đến nông thôn, nhân dân xuống đường biểu tình mít tinh chống chính
sách xâm lược và gây chiến của Mỹ, đòi lật đổ chính quyền Diệm. Các uỷ ban nhân dân tự
quản đã được thành lập ở nhiều nơi.
Có thể nói, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào Đồng khởi đã nổ ra rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ miền Nam Việt Nam được khôi phục, lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp được thành lập; các căn cứ địa cách mạng được khôi phục, mở rộng; tuyến đường huyết mạch Trường Sơn - Hồ Chí Minh và tuyến đường biển được hình thành và phát triển… góp phần hiện thực hóa quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi là
thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, được
xem là một sự kiện trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói chung. Đồng khởi thắng lợi đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt
của của cách mạng miền Nam Việt Nam:
từ thế giữ gìn lực lượng sang thế chiến lực tiến công, từ thế đấu tranh chính trị
là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang,
khởi nghĩa của quần chúng kết hợp với chiến tranh cách mạng, mở đầu cho thời kỳ
sụp đổ không thể cứu vãn nổi của chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, từ thắng lợi của Đồng khởi, ngày 20/12/1960 Mặt
trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát
triển của cách mạng miền Nam và là một trong
những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước của dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét