- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

KHÔNG CÓ MỘT LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ NÀO KHÁC, NGOÀI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CÓ ĐỦ BẢN LĨNH, TRÍ TUỆ, KINH NGHIỆM, UY TÍN VÀ KHẢ NĂNG ĐỂ LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC

Văn Hạnh

Câu hỏi cho đến tận hôm nay, sau gần 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo cách mạng, vẫn có một số người “thắc mắc”: “Tại sao ở Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng nắm quyền lãnh đạo?”. Có người còn mặc nhiên phán xét: “Việt Nam vi phạm quyền tự do dân chủ về chính trị”. Sự thật vấn đề này là gì? Phải nhìn nhận từ “góc nhìn lịch sử” để có câu trả lời bằng sự thật lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chính “thực tiễn lịch sử” đã chứng minh ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thể hiện trên những vấn đề sau đây:

Một là, thực tiễn sự lựa chọn con đường, mục tiêu và lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Những năm đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược liên tục nổ ra như: Phong trào Đông Du (1905); Việt Nam Quang phục Hội (1912) do Phan Bội Châu khởi xướng; Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động (1906-1908); Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và nhiều nhân sĩ yêu nước lãnh đạo. Tất cả các phong trào đều lần lượt thất bại bởi sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù.

Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XX, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị ở Việt Nam được thành lập. Các tổ chức, đảng phái này đều có khuynh hướng, mục tiêu đấu tranh đòi độc lập dân tộc như: Việt Nam Nghĩa đoàn  là tổ chức của những sinh viên yêu nước của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, do Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quốc Túy… thành lập ngày 25-1-1925. Hội Phục Việt do Tôn Quang Phiệt, Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiên, Đặng Thai Mai và một số nhân sĩ, trí thức, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thành lập ngày 14-7-1925. Đảng Thanh niên Việt Nam do Trần Huy Liệu, Nguyễn Trọng Hy... thành lập ở Sài Gòn (tháng 3-1926). Thanh niên Cao vọng Đảng do Nguyễn An Ninh - chủ bút tờ La Cloche félée (Chuông rè), thành lập và hoạt động từ năm 1923 đến năm 1928 tại Sài Gòn. Tổ chức Hội kín Nam Kỳ ra đời từ năm 1914 đến năm 1918 ở Nam Kỳ. Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Tuấn Tài... thành lập tháng 12-1926 tại Hà Nội. Đây là Đảng của giai cấp tư sản Việt Nam.

Ngoài các tổ chức, đảng phái nói trên, còn có một số tổ chức và đảng phái chính trị ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam như: Nhóm Trốt kít với các đại biểu là Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch..., là một tổ chức chính trị “mượn danh” mácxít, du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 30 thế kỷ XX.  Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) thành lập năm 1940 ở Trung Quốc. Đầu năm 1942, Việt Cách cùng với Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc - lấy tên theo Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học), đã tổ chức đại hội, thành lập Việt Nam Giải phóng Hội, do Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... lãnh đạo. Năm 1945, hai tổ chức Việt Cách và Việt Quốc theo chân 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, thực chất là thực thi kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” nhằm “diệt Cộng, cầm Hồ”, lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng mưu đồ của họ bất thành.

Như vậy, thực tiễn lịch sử đã cho thấy, dù không ai tranh giành, không ai gạt bỏ, nhưng tất cả các đảng phái, tổ chức chính trị ở Việt Nam (ngoại trừ Đảng Cộng sản) đều không nắm được quyền lãnh đạo cách mạng. Các đảng phái, tổ chức chính trị dù là đảng của các nhân sĩ trí thức yêu nước nhiệt thành, hay là đảng của giai cấp tư sản dân tộc... cơ bản đều chưa có đường lối chính trị rõ ràng, thiếu hệ thống tổ chức chặt chẽ, có những đảng viên của các tổ chức, đảng phái chính trị nói trên thiếu bản lĩnh, cơ hội... Vì thế, không đảng phái nào đủ năng lực và uy tín chính trị lãnh đạo cách mạng. Cho dù có những đảng được phép hoạt động công khai, thậm chí còn nhận được sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang cả về phương diện tổ chức lẫn tiền bạc (như Việt Quốc, Việt Cách...) nhưng đều thất bại và tan rã nhanh chóng.

Hai là, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ năm 1954 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, sau đó tiếp tục bước vào các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1986, Đảng lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Sức mạnh quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, chủ động xử lý thành công các tình huống không để bị động bất ngờ. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. “Thực tiễn đó đã khẳng định một chân lý, ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét