Kim Anh
Chiến
thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu,
chấn động địa cầu”, không chỉ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một cột mốc
sáng ngời trong thế kỷ XX, mà còn làm rung chuyển cả thế giới. Góp phần làm nên
chiến thắng ấy là “người lính đặc biệt” - đội quân xe đạp thồ đã tạo nên một hiện
tượng kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà
trên toàn thế giới.
Trong
chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp, tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực,
thực phẩm, đồ dùng, thuốc men được coi là vấn đề khó khăn nhất. Với địa hình hiểm
trở, đường sá hư hỏng, tiền tuyến lại cách xa hậu phương đến 400- 500km, nhưng
phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn hàng hóa một cách nhanh chóng, liên tục.
Để thực hiện nhiệm vụ này, nhân dân và chiến sĩ ta đã cải tiến chiếc xe đạp thô
sơ thành chiếc xe đạp thồ để nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg.
Xe
đạp thồ được sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là do người Pháp sản xuất
và đem theo sang Việt Nam. Đây là một loại xe đạp đặc biệt, nó có thiết kế đơn
giản, được chế tạo từ những vật liệu đơn giản và phổ biến với khung và bánh xe
được làm từ các thanh gỗ hoặc tre. Xe đạp thồ truyền thống không có hệ thống
phanh hoặc các tính năng hiện đại như xe đạp thông thường. Thay vào đó, người
điều khiển xe sẽ sử dụng chân để điều khiển tốc độ và dừng lại. Nhưng nhờ sự
thông minh và sức sáng tạo tuyệt vời, lực lượng dân công hoả tuyến đã cải tiến
chiếc xe thành phương tiện vận tải cơ động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Việc
chế tạo những chiếc xe đạp thồ tùy chỉnh là một thách thức đối với những dân
công. Mỗi chiếc xe đạp thồ được tháo yên xe và lắp thêm giá bằng sắt, gỗ hoặc
tre ở bánh sau giúp xe chở thêm hàng. Khung xe cũng được gia cố thêm sắt, gỗ
hay tre và lốp xe cũng được bổ sung thêm lớp vải để tăng độ bền. Một chi tiết nữa
là, khi chất đầy hàng lên xe thì người thồ không thể sát xe để điều khiển
ghi-đông, do đó, họ đã gắn thêm thêm vào
chiếc xe đạp một “tay ngai” bằng gỗ hay
sào tre đủ dài vào ghi - đông để người thồ điều khiển xe và đặt thêm một đoạn
tre cao hơn yên xe khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi tiến về
phía trước hoặc hãm xe lại khi xuống dốc. Trên ghi đông của xe thồ, người lái
xe thồ đã thiết kế những giá đỡ để đựng những đồ dùng cá nhân quan trọng mà họ
mang theo suốt chặng đường. Những cấu tạo trên cho phép những chiếc xe đạp thồ
đối mặt với các thử thách của địa hình Điện Biên Phủ trên các con đường đèo dốc
cheo leo và những cung đường nguy hiểm.
Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom bão đạn của thực dân Pháp, từng đoàn dân công hoả tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.
Trong gian khó và hiểm nguy suốt dọc tuyến lửa, đặc biệt, khi xuất hiện phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” đã lan rộng trong cả nước, từ việc vận chuyển hàng hóa từ 150 đến 200 kg/chuyến, những dân công đã nỗ lực đưa con số này lên 300 kg và thậm chí nhiều hơn. Trong danh sách những “kiện tướng xe thồ” nổi tiếng, đã xuất hiện những kiện tướng vận tải bằng phương tiện thô sơ chưa từng có trên thế giới như "kiện tướng xe thồ" Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) lập kỷ lục vận chuyển trên 3,5 tạ/1 chuyến, Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) luôn chở tới được 3,2 tạ/một chuyến. Riêng chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm tỉnh Thanh Hóa vận chuyển đến 2,8 tạ/một chuyến.
Tổng
kết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hơn hai vạn chiếc xe đạp được dùng để
thồ lương thực, trong số trên 260 ngàn dân công của cả nước huy động phục vụ
chiến dịch, có 33,3 nghìn lượt dân công hỏa tuyến, với 21 nghìn xe đạp thồ. Chỉ
bằng sức người và phương tiện vận tải thô sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải
cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến
dịch Điện Biên Phủ.
Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" lực lượng dân công nói chung và dân công hoả tuyến nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh để vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
70
năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh chiếc xe đạp thồ như những “Người lính đặc biệt”
xuất hiện ở Điện Biên là biệu tượng của sự sáng tạo độc đáo cho ý chí, nghị lực
và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến
tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới, sống mãi cùng với thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét