GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN YÊU NƯỚC,
TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân
Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước
Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam và mọi người dân Việt Nam đều
tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”. Trong di sản văn hóa dân
tộc, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn
hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con
đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri
ân.
Ngày từ buổi đầu dựng nước, các vua Hùng đã dạy dân
trồng lúa và chọn núi Nghĩa Lĩnh ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi
lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như là thờ thần lúa, thần mặt trời
nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi vạn vật sinh sôi nảy nở. Từ
đó, trong sâu thẳm
tâm thức của mỗi người dân Việt, vua Hùng là vị Tổ dạy dân trồng lúa - cội
nguồn của văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam, đã có công dựng nên quốc
gia Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 hàng năm là biểu
tượng cao quý của đạo lý " Uống nước
nhớ nguồn" thể hiện triết lý "
Con người có tổ có tông như cây có cội, như sông có nguồn" mà trên thế
giới chỉ có duy nhất Việt Nam có ngày giỗ tổ. Ngày
Giỗ tổ chính là sự kiện mang đậm bản sắc nhân văn về truyền thống yêu nước,
đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn
kết trở thành sức mạnh vô địch trường tồn giúp cho cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt
qua mọi khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua được để viết nên
bản anh hùng ca vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như lời Bác Hồ đã
khẳng định tại đền Hùng “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải
cùng nhau giữ lấy nước” và đã trở thành thành chân lý của dân tộc và của thời
đại. Với ý nghĩa sâu sắc và giá trị to lớn của lễ hội đền Hùng, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy
ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp),
UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tối 13- 4 (tức 4-3 năm Quý Tỵ), tại Sân Trung tâm Lễ hội, Khu Di tích đặc
biệt Quốc gia Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ đón bằng UNESCO
công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải
qua bao biến
cố thăng trầm của lịch sử, đất nước có lúc thịnh, lúc suy, có lúc bị giặc ngoại
xâm thống trị nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn có sức sống mãnh liệt, được lưu truyền từ đời này sang
đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam và là biểu tượng tinh thần yêu nước và văn hóa đoàn kết
của người dânViệt Nam. Lễ hội
đền Hùng còn là nơi "Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên
nguồn gốc dân tộc. Người đến hội không hề phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người
Việt Nam thì trong tâm thức đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua
Hùng, mang theo lòng ngưỡng mộ cầu mong “quốc thái dân an” và để hành hương về
vùng đất cội nguồn của dân tộc. Vượt lên những giá trị văn hóa, tâm linh, Đền
Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương chính là điểm hội tụ tinh thần yêu nước, truyền thống
đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc
dân tộc./.
Đinh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét