TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ
MỐI QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ VŨ KHÍ TRONG HOẠT ĐỘNG HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ
Danh Đông
Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chiến
lược quân sự thiên tài, người đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang
nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam
trong thời đại mới. Nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Người là luôn coi trọng
và giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự,
tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam để đánh thắng mọi kẻ thù xâm
lược. Đây là cơ sở định hướng, xây dựng niềm tin, bản lĩnh chính trị và trình độ
năng lực cho học viên trong quá trình học tập rèn luyện tại Trường, bồi dưỡng họ
trở thành người cán bộ bản lĩnh, gan góc, dám đánh và biết đánh thắng mọi kẻ
thù, dù chúng sử dụng vũ khí tối tân, hiện đại đến đâu.
Người chỉ rõ: “vũ khí là quan trọng, nhưng con người
mới quyết định”. Đây quan điểm rất khoa học, nhằm định hướng cho việc giải quyết
tốt nhất mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự của cách
mạng Việt Nam. Theo Người, hoạt động quân sự là hoạt động do con người tiến
hành nhằm thực hiện các mục đích quân sự, được quyết định bởi trình độ, ý chí
và quyết tâm của con người, vì thế “vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”.
Trong thực tiễn chiến tranh giải phóng, Người chủ trương “Đánh giặc, trước hết phải
có vũ khí”. Nói cách khác là phải có vũ khí để đánh giặc. Chủ trương này không
chỉ nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của vũ khí trong hoạt động quân sự mà
còn khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết phải trang bị vũ khí cho lực lượng vũ
trang và nhân dân đánh giặc, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản, bảo đảm
cho sự thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sức mạnh của vũ khí trang bị (VKTB) quân sự phải thông qua yếu tố
con người để phát huy tác dụng. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần quyết tâm của
mình, con người làm cho vũ khí phát huy hết tính năng hiệu quả, nâng cao uy lực
và sức mạnh. Ngược lại, với sức mạnh tiềm ẩn sẵn có, vũ khí cũng giúp con người
có sức mạnh phi thường hơn, vượt xa khả năng sẵn có của họ. Vì thế, sức mạnh của
hoạt động quân sự là sức mạnh của sự kết hợp thống nhất chặt chẽ giữa hai yếu tố
con người và vũ khí. Trong đó, Người chủ trương “người trước, súng sau”, “tinh
thần của con người phải truyền qua súng”. Một luận điểm tuy ngắn gọn nhưng chứa
đựng một vấn đề lý luận và thực tiễn rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược lâu dài,
giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự một
cách thấu đáo, trọn vẹn. Tinh thần của con người được truyền qua súng, khi và
chỉ khi con người có bản lĩnh, am hiểu nguyên lý hoạt động, nguyên tắc sử dụng,
thành thạo trong thao tác, điêu luyện trong khai thác, biết phát huy tối đa khả
năng, thế mạnh và biết khắc phục những nhược điểm, hạn chế của vũ khí, nghĩa là
“phải có kỹ thuật giỏi” để ngày càng nâng cao bản lĩnh và niềm tin chiến thắng.
Vì thế, con người phải có bản lĩnh làm chủ vũ khí trong mọi tình huống để biến
tinh thần, ý chí và sức mạnh của mình thành hiện thực thông qua sức mạnh của vũ
khí.
Học tập, quán triệt, phát huy tư tưởng của Người
trong đổi mới phương hướng giáo dục, coi đào tạo người cán bộ sĩ quan tương lai
có bản lĩnh chính trị vững vàng, “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là mục tiêu quan
trọng. Hiện nay, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình
hình thế giới, khu vực và trong nước, đặt ra những yêu cầu mới về sức mạnh quân
sự, quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, lợi dụng sự phát triển
của khoa học kỹ thuật và công nghệ, các thế lực hiếu chiến đang ra sức chế tạo,
sản xuất hàng loạt các loại VKTB quân sự hiện đại, đẩy chiến tranh tới trình độ
vũ khí công nghệ cao. Cùng với đó, chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm
khuếch trương, đề cao và tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, hạ thấp vai trò của
con người trong hoạt động quân sự. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tư
tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ vào sức mạnh của lực lượng
và phương tiện hiện có, thiếu quyết tâm chiến đấu và lòng tin vào sức mạnh
chính trị - tinh thần của con người trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do đó, yêu
cầu xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức về mối quan hệ
giữa con người và vũ khí cho cán bộ chiến sĩ là vấn đề quan trọng, cấp thiết của
Nhà trường, của Quân đội trong giai đoạn hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét