GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG MÙNG 10 THÁNG 3 - GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG MÙNG 10 THÁNG 3 - GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

 


                           GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - TÔN VINH GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

CỦA DÂN TỘC

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Có lẽ trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, hằng năm cứ đến ngày mồng mười tháng ba âm lịch, lại hướng về cội nguồn, nô nức cùng nhau hành hương về đất Tổ, như cây có gốc, nước có nguồn, chim tìm tổ, người tìm tông. Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc; Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao của các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng hằng năm là dịp nhằm để giáo dục,  nhắc nhở toàn dân về truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Theo truyền thuyết, vị vua đầu tiên của vùng đất Việt là Kinh Dương Vương đã truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu. Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua nhiều đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê  Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Kế tục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho cán bộ, công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương- hướng về cội nguồn dân tộc.

Và từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Quốc lễ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.

Ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

          Có thể nói, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài; là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng, mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, để từ đó ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp; đoàn kết tập thể; nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, giàu mạnh, hùng cường.

                                                                                                                                Vũ Phong

 

        

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét