KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN THẮNG LỢI VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁCH
MẠNG THÁNG MƯỜI NGA
Từ xuyên tạc, phủ nhận cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga để đi đến xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và chế độ xã hội chủ nghĩa là thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, thắng lợi và giá trị lịch sử của cách mạng Tháng Mười Nga đối với sự phát triển của nhân loại, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng là sự thật không thể xuyên tạc, phủ nhận.
Diễn biến
chính của Cách mạng Tháng Mười Nga
Đêm 24/10/1917
theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 06/11/1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Petrograd
(nay là thành phố Sankt-Peterburg). Ngày 25/10/1917 (tức 07/11/1917) các lực lượng khởi nghĩa đã
làm chủ tình hình ở Thủ đô Petrograd, trừ Cung điện Mùa Ðông và một vài nơi. Tới
2 giờ 10 phút, rạng sáng 26/10/1917, Cung điện Mùa Ðông được giải phóng, các bộ
trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Petrograd
kết thúc thắng lợi. Ngày 07/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I. Lênin và
Đảng Bolshevik lãnh đạo đã giành thắng lợi, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu
tiên trên thế giới.
Đằng sau thắng
lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, có nhiều phần tử thù địch,
cơ hội chính trị đã tung ra những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, phủ nhận thắng
lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, thực chất nhằm phủ nhận chế
độ xã hội chủ nghĩa và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, hướng lái sự
phát triển của nhân loại theo con đường tư bản chủ nghĩa theo ý đồ của giai cấp
tư sản.
Luận điệu
của những kẻ xuyên tạc, phủ nhận
Cách mạng
Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới - Thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi toàn thế giới. Mặc dù cuộc cách mạng có tầm ảnh hưởng rất lớn, có ý nghĩa
vạch thời đại; nhưng ngay khi đó, các học giả tư sản phương Tây và chủ nghĩa tư
bản đã lên tiếng xuyên tạc, phủ nhận. Họ cho rằng Cách mạng Tháng Mười chỉ là
“vụ cướp chính quyền”, “cuộc cách mạng mạo danh”, hay là “sự chệch hướng lịch sử”...
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga là sự ra đời hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và Đông Âu, thậm chí có kẻ còn cáo buộc đó là sự “quái thai của lịch sử”...
Không chỉ có
những kẻ đứng trên lập trường của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản; mà nguy
hại hơn là ngay trong hàng ngũ của những người cộng sản Liên Xô cũng lên tiếng xuyên
tạc, phủ nhận thắng lợi và giá trị lịch sử của cách mạng Tháng Mười Nga. Điển
hình là A. Yakovlev, ông ta được du học theo Chương trình Fulbright, là thành
viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, “kiến trúc sư cải tổ”,
“cha đẻ công khai hóa” trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô; A. Yakovlev lộ rõ bản
chất của một kẻ chống Cộng với tuyên bố Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch
sử”, với nhiều luận điệu “xét lại lịch sử”, “lật sử”, “trở cờ”...
106 năm đã
trôi qua nhưng chủ đề về Cách mạng Tháng Mười Nga chưa bao giờ “hạ nhiệt”, luôn
bị những phần tử thù địch, cơ hội chính trị chống phá, xuyên tạc, phủ nhận. Có
không ít kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị,
ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Nhất là khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, họ lại
được dịp hả hê, coi đây là cái cớ không gì thuyết phục hơn để tiếp tục xuyên tạc,
phủ nhận. Họ cho rằng việc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là “ăn may”, trái
với quá trình “lịch sử tự nhiên” mà Karl Marx đã chỉ ra. Gần đây, tên Trần Quốc
Quân, kẻ đã viết bài đăng trên Đài BBC Tiếng Việt, cho rằng “Cách mạng Tháng Mười
Nga thực chất là một cuộc bẻ ghi đường tàu, khiến một phần nhân loại rẽ sang
“đường vòng”.
Sức sống
của Cách mạng Tháng Mười Nga
Cho đến nay,
Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra hơn một thế kỷ (106 năm) nhưng thắng lợi và
giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng vẫn còn rất sâu đậm trong đời sống chính trị
- xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga là một
trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch
sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ
và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề
thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa
người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Từ chỗ chỉ
là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội
đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc
bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Thắng lợi của Cách mạng
Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới
được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20; trở thành biểu tượng của
niềm tin và sự cổ vũ mãnh liệt đối với phong trào cách mạng của các dân tộc bị
áp bức trên toàn thế giới.
Ngày 16/4/1917,
V.I. Lênin đến Thủ đô Petrograd để trình bày “Luận cương Tháng Tư”, một văn kiện
mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội
chủ nghĩa với khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay các Xô-viết!". Tối
24/10/1917 (theo lịch Nga cũ, tức tối 06/11/1917), V.I. Lênin đến Cung điện Mùa
Đông trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ Chính phủ tư sản
lâm thời và thiết lập chính quyền Xô-viết. Ngày 15/11/1917, Chính quyền Xô-viết
được thiết lập tại Mát-xcơ-va. Ðến tháng 3/1918, Chính quyền Xô-viết giành được
thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn, Cách mạng Tháng Mười Nga
toàn thắng. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và những người Bolshevik đã
tập hợp đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng;
thành lập đội quân chính trị đông đảo; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng đủ
sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng để giành lấy chính quyền Cách mạng. Cách
mạng Tháng Mười Nga được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và hội tụ đầy đủ cả điều kiện
khách quan và nhân tố chủ quan đã chín muồi. Do đó, không thể nói thành công của
Cách mạng Tháng Mười Nga là sự “ăn may”.
Trong ngày
25/10/1917, Ðại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua
lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh sĩ và nông dân" do V.I. Lênin dự thảo.
Ðại hội ra quyết nghị: Các Xô-viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân có
trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng. Tại phiên họp diễn ra đêm 26 rạng sáng
27/10/1917 lịch Nga cũ (tức đêm 8 rạng sáng 09/11/1917), Ðại hội đã thông qua
hai văn kiện đầu tiên của Chính quyền Xô-viết: "Sắc lệnh hòa bình" và
"Sắc lệnh ruộng đất" do V.I. Lênin dự thảo. "Sắc lệnh hòa
bình" tuyên bố những nguyên tắc về chính sách đối ngoại của Chính quyền
Xô-viết, lên án cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là "một tội ác lớn nhất
đối với nhân loại" và kêu gọi các nước tham chiến trong cuộc chiến tranh
thế giới thứ nhất nhanh chóng đàm phán để ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng.
"Sắc lệnh ruộng đất" tuyên bố thủ tiêu không bồi thường ruộng đất của
giai cấp địa chủ quý tộc và của các sở hữu lớn khác, quốc hữu hóa toàn bộ ruộng
đất và chia ruộng đất cho nông dân. Ðại hội đã bầu ra Chính phủ Xô-viết đầu
tiên, được gọi là Hội đồng các Ủy viên nhân dân do V.I. Lênin đứng đầu. Như vậy,
sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình
thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể. Xuất
phát từ dã tâm của những kẻ cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử và chống phá sự
nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và
những người Bolshevik với những luận điệu cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga là
“cuộc bẻ ghi đường tàu”, “đưa một phần nhân loại vào đường vòng”, “khúc quanh của
lịch sử” là hoàn toàn hoang đường, vô căn cứ, phiến diện, chủ quan.
Ở Việt Nam, ngay
từ những năm 1920, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh
Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái
hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế
quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[1].
Theo Hồ Chí Minh: “Vì con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là theo
con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, mà Lênin vĩ đại đã vạch ra cho nhân dân
lao động toàn thế giới, cho các dân tộc bị áp bức và cho cả loài người tiến bộ
đi đến thắng lợi hoàn toàn”[2].
Theo Hồ Chí Minh:
“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc
chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3].
Đi theo con
đường mà V.I. Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra, cách mạng Việt Nam do Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã liên tiếp giành được nhiều
thắng lợi to lớn; trong đó có nhiều chiến công chói lọi, mang ý nghĩa lịch sử
và tầm vóc thời đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc Việt Nam
một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; giải
phóng đất nước thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, làm cho nhân dân Việt
Nam được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4].
Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng, xác định: “...khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng
định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của
cách mạng Việt Nam”[5].
Tinh thần, sức
sống của Cách mạng Tháng Mười Nga là bất diệt!
[1] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 304.
[2] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 609.
[3] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 289.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Tập
1, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr. 25.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Tập
1, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr. 31.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét