Hoa Ban Xanh
Trải qua mấy nghìn năm văn hiến dựng nước
và giữ nước, nền độc lập tự do của chúng ta hôm nay được đánh đổi bằng máu
và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt, qua nhiều cuộc chiến tranh khác nhau và chống lại những đội
quân xâm lược vô cùng hung hãn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian
khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên
cường, thông minh, sáng tạo, với tinh thần khát khao độc lập, tự chủ và tinh thần
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng được rèn luyện qua mấy ngàn năm lịch sử
hào hùng.
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của
công dân. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi âm mưu và
hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
đều bị trừng trị theo pháp luật. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh đã khẳng
định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước
tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng,
tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Như vậy có thể thấy
bảo vệ Tổ quốc là hết sức quan trọng và là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao
quý của mỗi người dân Việt Nam.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt
Nam, Nhà nước ta đã quy định nghĩa vụ Bảo vệ Tổ quốc trong các bản hiến pháp. Từ
bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992
(sửa đổi bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ
quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân. Điều đó đã thành ý thức của
mỗi người Việt Nam, xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của
dân tộc.
Hiện nay nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được quy định cụ thể
Tại các Điều 14, 15 và 45 Hiến pháp đã quy định ở nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh
tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp
và pháp luật; tuy nhiên, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; công
dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Bảo vệ Tổ quốc
là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; công dân phải thực hiện
nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Đồng thời, Điều
64 Hiến pháp cũng quy định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự
nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn
dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức
mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa
bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện
đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
Thể chế hóa các quy
định trên của Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã khẳng định nghĩa
vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội
nhân dân.
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân
sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ
học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định
của Luật này. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ
phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân, công dân nữ trong độ tuổi thực hiện
nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được
phục vụ tại ngũ.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm
giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Là người dân Việt Nam, chúng ta đều bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc chấp hành các quy định về nghĩa vụ Bảo vệ Tổ quốc. Ai cũng cần có lòng tự hào, tự tôn dân tộc và yêu nước sâu sắc. Bảo vệ Tổ quốc là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của mỗi công dân. Ý nghĩa đó được cô đọng trong lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bảo vệ Tổ quốc là mệnh lệnh thiêng của đất nước và dân tộc mà tất cả các thế hệ người Việt phải chấp hành một cách tự giác, tự nguyện với niềm tự hào sâu sắc, từ đó, ra sức giữ gìn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để cho đất nước ta ngày càng phát triển giàu đẹp, trường tồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét