Quê hương
Nền
văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xuất hiện đầu tiên trong Cương lĩnh
91 của Đảng với tính chất là một trong 6 đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ
nghĩa. Đến Hội nghị lần thứ Năm – Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (năm
1998), trên cơ sở phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, tư tưởng tiến bộ của nhân loại về văn hóa, về xây dựng và phát
triển nền văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định nền văn hóa mới mà toàn Đảng, toàn
dân ta xây dựng là Nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đó
chính là bước phát triển sáng tạo của Đảng trong đường lối xây dựng nền văn hóa
Việt Nam, được thể hiện đậm nét ở những quan niệm, tư tưởng chủ yếu như sau:
Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã đưa ra một mô hình văn hóa mới - mô hình văn hóa XHCN với hai đặc trưng cơ bản: tiên
tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, hàm chứa được tất cả những
gì tốt nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất, nhân đạo nhất của văn hóa Việt Nam, phù
hợp với sự tiến bộ văn hóa của nhân loại. Đây là sự phát triển sáng tạo lý luận
văn hóa Mácxít của Đảng ta và khắc phục được hạn chế trong nhận thức xem bản
sắc văn hóa dân tộc là hình thức. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã làm
sáng tỏ đặc trưng của một nền văn hóa tiên tiến và đặc trưng của bản sắc dân
tộc, với cốt lõi là “lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người... Đó
là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng
đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung,
trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế
trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… được phản ánh đậm nét trong các hình
thức biểu hiện của nền văn hóa mang tính dân tộc độc đáo.
Văn
hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy
sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây
là luận điểm mới, sáng tạo nói lên mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và sự
phát triển, nhấn mạnh vị thế, vai trò của văn hóa đối với chính trị, kinh tế và
các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Nghị
quyết nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam,
xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh như là một hệ quả tất yếu từ biện chứng
giữa con người và văn hóa theo quy luật nhân quả. Con người theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “không
phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực
của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Thế nhưng trong
thời gian khá dài, mối quan hệ giữa con người và văn hóa chưa được đề cập một
cách khoa học; trong đường lối thường tách xây dựng con người mới và nền văn
hóa mới. Từ thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nghị
quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã khắc phục những khiếm khuyết nêu trên. Việc
bổ sung vào lý luận văn hóa Mácxít thuật ngữ môi trường văn hóa và
xác định đặc trưng của con người mà chúng ta hướng tới xây dựng, chính là sự
phát triển sáng tạo đường lối văn hóa của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII không
tách rời hệ tư tưởng với văn hóa, xem hệ tư tưởng là cái cốt lõi của văn hóa,
xây dựng tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa cơ bản,
thường xuyên và lâu dài của sự nghiệp văn hóa. Đây là điểm mới, sáng tạo
trong sự phát triển đường lối văn hóa, việc xây dựng tư tưởng là nhiệm
vụ trọng tâm, cơ bản, cấp bách và lâu dài của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa
Việt Nam.
Từ
xác định đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam Nghị quyết
khẳng định tính thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đặc trưng bản sắc
văn hóa dân tộc được cụ thể hóa một cách lôgíc, sáng tạo. Tính thống nhất theo
tinh thần Nghị quyết là thống nhất ở hệ tư tưởng, ở những giá trị phổ biến,
vững bền, đặc trưng cho cả nền văn hóa Việt Nam bao gồm cộng đồng các dân tộc
Việt Nam.
Trong
sự phát triển sáng tạo đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam, Nghị quyết
Trung ương 5 khóa VIII đã xác định rõ ràng, cụ thể chủ thể lãnh đạo và chủ thể
xây dựng nền văn hóa. Chủ thể lãnh
đạo sự nghiệp xây dựng nền văn hóa là Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ thể xây dựng
là toàn dân, trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chính sách trên lĩnh vực văn hóa: chính sách
kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, bảo tồn các di sản văn hóa,
khuyến khích sáng tạo văn hóa mới, chính sách hợp lý trong hưởng thụ, tiêu dùng
các giá trị văn hóa, chính sách đối với nghệ nhân, xã hội hóa hoạt động văn
hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…
Nghị
quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đi vào cuộc sống, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
đồng tình ủng hộ, được cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện. Có thể
nói, nó không chỉ là một văn kiện mang tính đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng trên lĩnh vực văn hóa, mà còn thể hiện tư duy lý luận văn hóa một cách
toàn diện và sâu sắc trong giai đoạn cách mạng mới, được kế thừa, phát triển ở Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014; Hội nghị lần thứ 9
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con
người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định.
Chính
thành tựu từ thực tiễn
xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong hơn 25 năm qua, cùng với việc
phát huy sức mạnh mềm của văn hóa đã góp phần quan trọng khẳng định vị thế dân tộc ta trên thế giới. “Đất
nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay”, là minh
chứng sinh động khẳng định sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về đường lối xây
dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét