TỪ “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NĂM 1943 ĐẾN VĂN HÓA QUÂN SỰ THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

TỪ “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NĂM 1943 ĐẾN VĂN HÓA QUÂN SỰ THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

 Trương Hoài

Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã nêu rõ những quan điểm căn bản của Đảng trong xây dựng nền văn hóa cách mạng, nhằm thực hiện vai trò sứ mệnh: “soi đường cho quốc dân đi”. Những quan điểm ấy đã thấm sâu vào phong trào cách mạng của toàn dân tộc nói chung và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, góp phần hình thành và phát triển văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở phương pháp luận Mác xít, gắn chặt với phân tích sâu sắc thực tiễn, nhất là thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị, kìm kẹp, nô dịch của Phát xít Nhật – Pháp, Đề cương đã trình bày những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học), nghệ thuật (văn học nghệ thuật) cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố này. Trong đó, Tư tưởng đạo đức, lối sống có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của văn hóa.

Được soi sáng bởi Đề cương văn hóa, ngay từ những ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã không chỉ tập trung xây dựng một đội quân chiến đấu để cùng với toàn dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mà còn hướng tới xây dựng một đội quân văn hóa. Dưới những chỉ dẫn của Đề cương văn hóa, việc hình thành một kiểu mẫu nhân cách văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành nét đặc sắc tiêu biểu trong xây dựng một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và là cội nguồn cho những chiến công oanh liệt của Quân đội ta, thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:

Một là, Quán triệt Chỉ dẫn của Đề cương văn hóa coi “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận” và “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Trong chủ trương xây dựng Quân đội, Đảng ta và Bác Hồ xác định chính trị là gốc, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại”. Vì vậy, “Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền”. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng thể hiện rõ tư tưởng lực lượng vũ trang ba thứ quân, kháng chiến toàn dân - cũng là sự tiếp nối truyền thống, giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam trong đội quân cách mạng đầu tiên.

Hai là, bằng việc nêu lên những quan điểm căn bản của việc xây dựng một nền văn hóa mới, Đề cương văn hóa đã mang lại niềm cảm hứng lớn lao cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam yêu nước, giúp họ thấm nhuần chủ trương “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển”, họ nhanh chóng tham gia kháng chiến, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ” – một đội quân hùng hậu vừa cầm súng, vừa sáng tác và biểu diễn, trở thành một nét văn hóa đặc của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn kiện lịch sử này thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, chính họ đã dựng nên những tượng đài người lính “Bộ đội Cụ Hồ” một cách hoàn chỉnh thông qua các tác phẩm nghệ thuật “bất hủ” và hình ảnh “người lính” đã trở thành “bất tử”.

Ba là, thấm nhuần các nguyên tắc căn bản trong xây dựng nền văn hóa mới mà Đề cương văn hóa chỉ ra, văn hóa quân sự được hình thành và bổ sung thêm những giá trị mới nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, đó là: lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần nhân văn, nhân đạo trong hoạt động quân sự; nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân; những phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”... Những giá trị đó phản ánh trọn vẹn tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học của nền văn hóa cách mạng; đồng thời, thể hiện rõ bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Thực hiện những chỉ dẫn của Đề cương văn hóa và các quan điểm căn bản của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa quân sự Việt Nam từ trong cách mạng giải phóng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” đã vượt xa ý nghĩa của một danh xưng tên gọi thông thường để trở thành một kiểu mẫu nhân cách người lính từ nhân dân mà ra, được điển hình hóa theo nhân cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh, bao hàm những giá trị đã trở thành biểu tượng cao đẹp nhất của người chiến sĩ nhân dân trong thời đại mới. Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa quân sự của cha ông trong thời đại mới; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Tập trung xây dựng các mối quan hệ văn hóa: cấp trên - cấp dưới, đồng chí - đồng đội, quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa bộ đội với nhân dân ngày càng tốt đẹp, chuẩn mực; nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa trong Quân đội, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ…

                                                                  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét