NGÀY BÁC ĐỌC TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - MỐC SON CHÓI LỌI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

NGÀY BÁC ĐỌC TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - MỐC SON CHÓI LỌI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

        Bút bi xanh

Chúng ta đang sống trong những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, trên khắp các ngả đường rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Thời gian đang đưa đến rất gần dấu mốc đất nước tròn 78 năm ngày Quốc khánh 2/9, cứ mỗi mùa thu Tháng Tám, cứ mỗi khi đến Tết Độc lập, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hơn 7 thập kỷ qua đi, trong mùa thu lịch sử ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Từ đó, ngày 2/9 là ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là mốc son chói lọi trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là thành quả cách mạng vĩ đại của tinh thần đoàn kết triệu người như một của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (ngày 11/2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Ngày 2/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”.

Trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh” viết ngày 1/9/1954 đăng trên Báo Nhân Dân, số 220, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ”.

Tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mùa thu năm 1945 đã truyền lửa cách mạng cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quân và dân ta, với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh và ý chí kiên cường của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đập tan hai cuộc xâm lược của thực dân, đế quốc mà dấu son là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đưa cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn  đã chứng minh, 78 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vừa giữ vững độc lập, tự do vừa phấn đấu thực hiện từng bước mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, trong hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Với thế hệ trẻ cả nước hôm nay, Quốc khánh 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ trẻ - những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được học tập, rèn luyện trong một đất nước không còn tiếng súng chiến tranh; không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi thanh niên phải tự giác xây dựng ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, không cam chịu phận nghèo, vươn lên khởi nghiệp, lập nghiệp, tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những “Công dân toàn cầu”; xây dựng và rèn luyện bản lĩnh, ý chí độc lập, tự chủ, sáng tạo; gắng học hỏi để chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học, công nghệ; giỏi về chính trị, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; thành thạo về ngoại ngữ, tin học; có kỹ năng sống và kỹ năng làm việc; “học tập mãi, tiến bộ mãi”, để xứng danh thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh; luôn là lực lượng xung kích, tiên phong đáng tin cậy của Đảng, của dân tộc.

Là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành lớn mạnh, phát huy vai trò xung kích. Trong giai đoạn mới của cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra cho thanh niên cả nước nói chung, thanh niên quân đội nói riêng những nhiệm vụ và trọng trách nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Thanh niên quân đội không ngừng phấn đấu, rèn luyện, kế tục xứng đáng truyền thống của các thế hệ cha anh, xung kích đi đầu, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dù cho năm tháng qua đi, nhưng tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau./.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét