TUỔI 20 - MÃI MÃI VỚI ANH, CÂU HỎI CỦA THẾ HỆ TRẺ CHÚNG TÔI HÔM NAY!
Mỗi
năm cứ vào tháng 7, khắp nơi trên đất nước Việt Nam đều diễn ra các hoạt động
tri ân bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước với
Tổ quốc. Thanh niên chúng tôi cũng vậy, ngoài tham gia các hoạt động của đoàn,
hội trong tháng tri ân; chúng tôi còn đọc và cảm nhận về cuốn Nhật ký: “Mãi
mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Những
trang Nhật ký Mãi mãi tuổi 20 làm cho tôi và các bạn mình nhận ra rằng: chiều
dài thời gian của con người không phải được đo định bằng tháng, ngày mà chỉ bằng
một từ thôi: SỐNG.
Thanh
niên chúng tôi bây giờ, nhỏ bé hơn những trang viết “vội vàng và bụi bặm” của
anh ngày ấy. Anh Thạc trải qua đời sinh viên bằng hai từ “sống trội”. Anh là cậu
học sinh đạt giải nhất học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Vừa kết thúc năm nhất ở
Khoa Toán Cơ thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong thời gian chờ nhập ngũ, anh đã
phấn đấu thành sinh viên năm 3. Giá như không có chiến tranh, Anh - cậu bé làng
Bưởi ngày ấy có lẽ bây giờ đã là một kỹ sư tài năng, tài hoa.
Anh
Thạc nằm xuống với đất mẹ khi tuổi đời chưa kịp lớn bằng tuổi tôi bây giờ. Cuộc
sống của anh kết thúc khi năm tháng chưa kịp dài bằng tháng năm của bạn bè tôi
hôm nay. Nhưng anh đã sống và để lại cho chúng tôi là sự quý giá của độc lập,
hòa bình. Tuổi trẻ của chúng tôi được sống trong môi trường hòa bình có điều kiện
học tập phát triển bản thân, được tung cánh bay cao, bay xa ra thế giới cùng bạn
bè quốc tế. Và hơn hết chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với
mình, với gia đình, với xã hội, với quê hương, đất nước.
Nhìn
lại thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay, có rất nhiều cậu bé, cô bé đã trả lời được
câu hỏi mà anh Thạc và thế hệ các anh đã lại cho mình đã vượt khó, vượt qua nghịch
cảnh, số phận ngày đêm dệt ước mơ riêng mình trở thành những thủ khoa của trường
đại học, trở thành kỹ sư, cô giáo, bác sĩ… có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và cũng có không ít những cô cậu sinh viên đã buông
thả, sống hoài, sống phí khi đem những đồng tiền cực nhọc của cha mẹ mình ở các
cuộc vui trên vũ trường, sòng bạc hay những bàn nhậu thâu đêm suốt sáng.... Mà
quên đi ước mơ của mình đến giảng đường để tìm kiếm tri đức, để rèn luyện, phấn
đấu những thanh niên, sinh viên tài năng, có đạo đức, có nhiệt huyết, biết công
hiến, sống xứng đáng, có trách nhiệm với mình với đời, với xa hội. Có bao giờ họ
chạnh lòng nghĩ, cách đây hơn 40 năm cũng bằng độ tuổi họ, có chàng sinh viên
trẻ giã từ giảng đường ra trận gác lại mọi ước mơ khát vọng của tuổi trẻ để rồi
có lần hành quân ngang qua Hà Nội chàng trai ấy nôn nao chạy vội về ngôi trường
xưa, tìm về “thời sinh viên say mê, hồ hởi”, “vụt ào ra, như cửa sông…”
Chiếc
áo bộ đội thùng thình, sự tự do, độc lập của Tổ quốc đã giục anh lớn lên cho bằng
thời đại: “Mình bắt đầu sống có trách từ đâu, từ lúc nào?”. Câu hỏi ấy
tưởng chừng rất đơn giản mà chứa đựng biết bao trăn trở. Không biết có mấy ai trong
thế hệ trẻ trong chúng ta tự hỏi mình và tự trả lời được câu hỏi ấy nhưng anh Thạc
đã tự hỏi và trả lời cho chính mình “có lẽ từ 09 -3 - 1971”. Câu hỏi và
câu trả lời ấy đã được chứng nhận bằng hoa nhãn ban trưa, hoa sấu và hoa bằng
lăng nước tháng ba và cuộc đời anh đã chứng nhận cho chính mình.
Thế
hệ trẻ hôm nay chưa từng biết đến chiến tranh. Sinh ra khi đạn bom và tiếng súng
trên quê hương đã thành quá khứ, họ quên mất từng có những con người trong thời
trai trẻ, biết lựa chọn hy sinh, hy sinh hạnh phúc riêng tư để chọn lấy cuộc sống
của dân tộc: “Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường
Trường Sơn không có dấu chân ta?”. Cái giấu mặt ấy cao cả và thiêng liêng.
Anh lính binh nhì nhiều trăn trở ấy đã lặng đi trong khúc Tiến quân ca bởi
anh biết “thế là từ nay trong khúc nhạc này, có một phần mồ hôi, xương máu của
đời mình”.
Tuổi trẻ nào cũng có một tình yêu. Tình yêu của anh Thạc
và cô gái Như Anh đẹp như cổ tích và khổ đau cũng như cổ tích không có trang cuối
cùng. Tình yêu của họ được đặt vào tình yêu quê hương, đất nước, đi cùng lý tưởng
và thời đại, tình yêu được gửi vào nỗi nhớ, sự chờ đợi nhau. Họ trăn trở với “hạnh
phúc là gì”? Đó là: “Khi Tổ quốc cần
họ biết sống xa nhau” hay “Em chờ anh không biết có thời gian”. Và
đương nhiên lời hẹn hò cho câu trả lời “hạnh phúc là gì” là ngày chiến
thắng anh sẽ trở về. Nhưng người trai trẻ ấy đã vĩnh viễn về với đất mẹ để
giữ lấy câu trả lời bí ẩn của câu hỏi bao đời: “Hạnh phúc là gì bao lần ta
lúng túng, hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chẳng ra”.
Đọc những trang Nhật ký của anh Thạc, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay như đang được đối thoại với anh, với cuộc đời, với tuổi trẻ và cũng đang soi ngắm, độc thoại với chính mình để tự trả lời câu hỏi mà anh và hôm nay và muôn đời vẫn luôn đặt ra: “Mình đã sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu!… Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng…?!”
Hồng Tươi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét