CHIẾN SỸ VỚI TRUYỀN THỐNG - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

CHIẾN SỸ VỚI TRUYỀN THỐNG

 TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC -  GIÁ TRỊ CAO NHẤT 

CỦA VĂN HÓA GIỮ NƯỚC VIỆT NAM

Chung Thuy

Trong chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước cho đến nay, khát vọng xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước luôn là nguồn lực nội sinh lớn mạnh làm nên nhiều chiến công hiển hách. “Bản trường ca giữ nước” là giai điệu hùng tráng nhất, là thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta. Nó không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với dân tộc mà còn đóng góp vào xu hướng tiến bộ văn hóa của loài người. Vấn đề đặt ra là, sức mạnh nào khiến nhân dân Việt Nam chiến thắng? Phải chăng là truyền thống yêu nước, nguồn sức mạnh to lớn của cả dân tộc giúp Việt Nam đứng vững trước mọi khó khăn.

Dựng nước và giữ nước là nội dung cơ bản xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Kể từ khi hình thành quốc gia, dân tộc đến nay trải qua hàng ngàn năm, nhân dân ta đã chiến đấu kiên cường chống lại các thế lực xâm lược để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn, Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông, nền kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, vũ khí trang bị còn thô sơ… mà đánh thắng những đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế - quân sự hùng mạnh như: Mông - Nguyên, thực dân Phápvà đế quốc Mỹ. Mỗi khi nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thì giá trị văn hóa giữ nước đã biến thành sức mạnh của mọi người dân không phân biệt già trẻ, gái trai, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc như là lẽ tự nhiên của mỗi con người Việt Nam “Tổ quốc là trên hết”, Tổ quốc thiêng liêng vô cùng, vĩ đại vô cùng. Trước vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc cá nhân, gia đình và ngay cả tính mạng của mỗi cá nhân cũng trở nên vô cùng nhỏ bé. Vì thế, người Việt Nam có thể hy sinh tất cả để Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do và họ chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng là vinh dự đứng trên mọi vinh dự. Đó là động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, khiến hàng vạn đồng bào chiến sĩ coi hy sinh vì Tổ quốc “tựa lông hồng”. Nhà thơ Nam Hà đã diễn tả dòng suy nghĩ trong mỗi chúng ta bằng hai câu thơ tràn đầy cảm xúc: “Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất. Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”. Trong hệ thống những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam thì yêu nước là giá trị văn hóa tiêu biểu nhất, chi phối và định hướng phát triển của các giá trị khác, cũng như chi phối sự phát triển của văn hóa giữ nước Việt Nam nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Con người Việt Nam đâu phải sinh đã có tinh thần dân tộc, có ý thức tự lực, tự cường. Ý chí, tinh thần đó được hình thành trong quá trình nuôi dưỡng,giáo dục của gia đình - nhà trường và xã hội. Sức mạnh của truyền thống văn hóa dân tộc - sức mạnh chính trị tinh thần đã biến thành sức mạnh vật chất trong mỗi con người Việt Nam. Nhận thức, tình cảm, ý chí quyết tâm và lòng căm thù giặc đã kết lại thành một sức mạnh diệu kỳ và được thăng hoa. Chính diệu kỳ đó đã giúp tổ tiên ta đánh bại những đội quân xâm lược phương Bắc. Chính diệu kỳ đó giúp các chiến sĩ cách mạng hiên ngang bước lên máy chém với niềm tin vững chắc ở  tương lai. Chính diệu kỳ đó giúp nhân dân và quân đội ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và căng thẳng kéo dài. Khí thiêng song núi, hồn thiêng dân tộc cuồn cuộn chảy trong huyết quản các chiến sĩ trực tiếp đối mặt và chiến thắng trước quân thù.

Hiện nay, để xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam XHCN cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Yêu nước truyền thống: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân- gia đình- làng xã- tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần cù sáng tạo. Trong cuộc kháng chiến: Lòng yêu nước được biểu lộ mạnh mẽ từ ý chí quật cường, gan dạ, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng kẻ thù. Ngày nay, tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc thể hiện phong phú, sâu sắc hơn: bảo vệ giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tận trung với nước, tận hiếu với dân; coi trọng lợi ích quốc gia chân chính trong quan hệ quốc tế; nêu cao ý thức tự lực tự cường quyết không chịu đói nghèo, lạc hậu; biết giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân- tập thể- cộng đồng và xã hội.

Đất nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng... truyền thống yêu nước luôn là điểm tựa, là sợi đỏ xuyên suốt để giữ vững tinh thần, cốt cách của quốc gia, dân tộc. Yêu nước ngày nay gắn liền với CNXH. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét