NGƯỜI CHIẾN SỸ HÔM NAY - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

NGƯỜI CHIẾN SỸ HÔM NAY

CHẤP NHẬN HY SINH, MỘT NÉT ĐẶC TRƯNG 

CỦA PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Chiến sỹ trẻ


Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trong bất luận hoàn cảnh, điều kiện nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Dù trong điều kiện thời chiến hay thời bình, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng với những đặc trưng riêng có của người quân nhân cách mạng. Họ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định trọn vẹn lời thề “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”.  Chấp nhận hy sinh đã trở thành một nét đặc trưng tiêu biểu của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chấp nhận hy sinh phản ánh sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục tiêu lý tưởng đó chính là: Vì độc lập dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội và vì hạnh phúc của Nhân dân. Sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu được hình thành trong thực tiễn chiến đấu, học tập, rèn luyện, lao động, công tác của mỗi quân nhân; từ quá trình giáo dục, tôi luyện của Đảng, Bác Hồ và môi trường quân ngũ.

Chấp nhận hy sinh là phẩm chất chính trị, là trạng thái tinh thần vững vàng của người lính Cụ Hồ được biểu hiện bằng hành động, việc làm của quân nhân, bằng hoạt động của các đơn vị và toàn quân. Sự hy sinh của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm hy sinh tính mạng, máu xương hoặc phần thân thể trong chiến đấu, lao động, công tác…; hy sinh lợi ích của quân nhân và gia đình quân nhân; hy sinh bằng cách nhận về mình những khó khăn, gian khổ, thiệt thòi thay cho đồng đội, người dân; hy sinh bằng tinh thần và hành động của những người dám đối mặt với muôn vàn nguy hiểm cận kề, giữa sự sống và cái chết…

Trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu triệu cán bộ, chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất mẹ linh thiêng, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lợi ích chung, cho quan hệ hữu nghị và đoàn kết quốc tế đặc biệt. Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó gần 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích và tổn hại không thể bù đắp.

Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình rồi, không người lính nào không có khát vọng hòa bình, không có ai trong số họ thích đạn bom của chiến tranh, nhưng máu xương của người lính vẫn đổ xuống. Những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn tiếp tục dành sự hy sinh vô bờ bến của mình cho sự bình yên và phát triển của đất nước.

Họ, 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, bảo vệ chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc; 9 người con ưu tú của Lữ đoàn 918 - Quân chủng Phòng không - Không quân đã nằm lại giữa biển khơi khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn; 4 sĩ quan của Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 hy sinh trong nhiệm vụ huấn luyện; 20 trên tổng số 21 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371 hy sinh, 1 chiến sĩ bị thương tích nặng khi phi công cố gắng điều khiển máy bay gặp nạn ra xa khu dân cư; nhiều cán bộ chiến sĩ canh gác trên nhà giàn đã mãi mãi không thể trở về trước những trận cuồng phong của biển cả trong thập niên 90; nhiều cán bộ, chiến sỹ đã nằm xuống trong nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch, cứu dân trong đại dịch Covid – 19…

Họ, những cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đó là những chiến sỹ hải quân đang ngày đêm miệt mài và âm thầm cống hiến nơi đầu sóng, ngọn gió chấp nhận hy sinh vì biển đảo quê hương; những chiến sỹ biên phòng dầm mình trong nắng, mưa, gió lạnh, rừng thiêng để giữ yên từng tấc đất biên cương; những người lính nhà giàn DK1 ngày đêm vật lộn với sóng dữ giữa đại dương bao la chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa; những người chiến sỹ dám đối đầu với các tình huống khó khăn, phức tạp, nguy hiểm như trong những trận đánh ác liệt của nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Họ làm tất cả để có thể xứng đáng như lời bài hát mà hàng triệu người dân đã nghe và cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Sự hy sinh của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam được phản ánh ngay trong chính công việc, hoạt động, công tác và sinh hoạt thường nhật của họ. Họ phải xa gia đình, xa người thân trong thời gian dài, trong những điều kiện đặc thù do nhiệm vụ trực chiến, huấn luyện, công tác quy định. Họ có mặt ở những địa bàn khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; ở vùng sâu, vùng xa; ở những nơi điện chưa về với bà con; con chữ chưa đến với dân bản và các cháu thiếu nhi… Họ có mặt trong đội hình những người lính tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở Nam Xu Đăng cách xa Việt Nam khoảng 8000 km, thực hiện sứ mệnh vẻ vang được giao phó theo tinh thần “Tiếng gọi Tổ quốc là đi lên đường. Hạnh phúc riêng cũng phải nhường”. Nơi nào khó khăn nhất có bộ đội! Càng trong thời điểm khó khăn, gian khổ, phức tạp thì lại càng tỏa sáng đức hy sinh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Không thể nói hết bằng lời văn về những hy sinh và tinh thần chấp nhận hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nét đặc trưng về phẩm chất cao quý ấy đã tạc sâu vào suy nghĩ và tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; cần được tiếp tục phát huy và làm tỏa sáng hơn nữa trong tình hình mới. Không thể có một thế lực nào có thể thực hiện được dã tâm khi cố tình nói xấu, xuyên tạc hoặc phủ nhận nét đẹp về tinh thần chấp nhận hy sinh của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét