THÁNG TRI ÂN (27/7) - CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC
“MÀU HOA ĐỎ”
Nguyễn Văn Vũ Phong
Việt Nam, đất nước của bốn mùa hoa nở, của những trái tim nhân hậu và
lòng quả cảm, nơi sản sinh ra những người con anh hùng cho một dân tộc anh
hùng. Dân tộc Việt Nam đã viết nên bản thiên anh hùng ca của bao thế hệ con rồng
cháu lạc, trong đó có sự hy sinh lặng thầm của những người chiến sĩ Quân đội
nhân dân Việt Nam.
Những năm tháng chiến tranh đã đi qua, nhưng vẫn còn đây những vết
thương lòng luôn hằng sâu trong tâm trí của những người
ở lại. Vẫn còn đó những giọt nước mắt của người mẹ khi nhắc về người con đã hi
sinh của mình. Đất nước giờ đây đã thanh bình, các anh những người con của đất
việt đã nằm xuống để cho con cháu muôn đời sau có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Và giờ đây trên bước đường xây dựng đất nước tiến lên, hòa nhập vào thời đại mới,
các anh luôn là niềm tin vững chắc cho thế hệ trẻ noi theo. Họ luôn tin rằng mỗi
dấu chân của họ bước dị ngày hôm nay đều thắm đẫm máu và nước mắt của các anh.
Trong những ngày tháng tri ân (27/7), nghe lại ca khúc Màu hoa đỏ, ắt hẳn
mỗi chúng ta đều giữ cho mình những cảm xúc khó tả. Ca khúc được sáng tác vào
những năm 1991. Trong một lần, nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ngồi
ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ
nay còn, người đã mất.Trong cảm xúc tiếc nuối vì vẫn chưa tìm thấy hài cốt những
đồng đội chính tay mình chôn cất năm cũ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã tìm tứ thơ,
còn nhạc sĩ Thuận Yến thì đảm nhiệm phần phổ nhạc. Bài thơ lúc đầu có tên Thời
hoa đỏ. Sau khi phổ nhạc, thì đổi tên thành Màu hoa đỏ. Ca khúc ban đầu
chỉ là mang cảm xúc của 2 người lính, nhưng nó đã trở thành tình cảm chung của
rất nhiều người khi nghe ca khúc này. Ca khúc mang tính biểu cảm, gợi hình rất
cao và được cất lên như một câu chuyện thật gần gũi, đầy chất tự sự.
“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về”.
Các anh ra đi không tiếc ngày trở về, dẫu biết rằng nơi hậu phương mẹ
già đang trông ngóng mỏi mòn, những sự đợi chờ luôn hiện về trên khuôn mặt đã hằng
sâu những nếp nhăn của mẹ. Có người vợ đang ngóng tin chồng trở về nhưng tất cả chỉ là vô vọng, đứa con thơ níu tay áo mẹ gọi cha nhưng cha
đã đi, đi mãi không về. Người cha ấy mang tên các anh, các anh ra đi bỏ lại
phía sau tất cả những gì thuộc về mình, mái tranh nghèo thấp thoáng bóng dáng mẹ
hiền, đàn con thơ và cả người vợ yêu thương. Sự ra đi của các anh để lại bao
đau thương mất mát cho những người thân, cho quê hương, cho Tổ quốc. Để giờ
đây, theo dòng thời gian tuôn chảy, những thế hệ trẻ lại tìm đến nơi các anh
yên nghĩ để cùng hát lên bài ca sống mãi cùng thời gian.
“Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hoá bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo”.
Dòng tên của các anh đã thấm nhuyễn trong từng thớ đất của quê hương, mỗi
bước các anh qua đều để lại hình bóng của mình, các anh thật sự là những con
người vĩ đại của Tổ quốc Việt Nam anh hùng. Chiến trường năm xưa còn đó những
bóng cây tre già, nơi một thời mà các anh
quên mình chiến đấu để bảo vệ từng căn nhà, từng nóc hầm, dãy núi, con
sông để cho cuộc sống muôn đời sau mãi thanh bình. Chiến trường ấy vào một buổi
chiều có đôi mắt mẹ chăm chú dõi theo từng bước các anh đi mà trong lòng rưng
rưng dòng lệ đắng. Và giờ đây các anh có
người đã về với cuộc sống hòa bình, nhưng cũng có người đã gửi mình theo lòng đất
Mẹ tinh khôi. Để hôm nay trên đất nước Việt Nam lại rạng ngời lên chí khí kiên
cường bất khuất của các anh.
“Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”.
Những người con Việt Nam hôm nay luôn hát mãi về các anh - tượng đài bất
khuất trong lòng mỗi thế hệ con người. Các anh ra đi để lại nỗi sầu thương trên
tóc mẹ già. Bao năm tháng đã đi qua nhưng tấm lòng, tình thương của người mẹ
luôn hướng về các anh. Đất nước Việt Nam giờ đây đã thanh bình, đã đổi mới, người
người sống trong ấm no, tự do và hạnh phúc, không còn những cảnh chia li, không
còn những giọt nước mắt đau thương. Việt Nam hôm nay đang sánh vai với bổn bể
năm châu cùng nhau hội nhập phát triển nhưng ở nơi ấy vẫn ngời lên “màu hoa đỏ”
rực cháy phía trời xa.
“Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”.
Sự hy sinh đó là bất tử! các anh
đã ngã xuống cho màu hoa đỏ hồi sinh, cháy rực cả một góc trời, cháy rực muôn đời,
muôn thế hệ. Và hôm nay, những nén nhang thơm của bao lớp người thành kính dâng
lên các anh như một sự tri ân vô bờ bến đối với những người con đã xả thân mình
vì Tổ quốc thân yêu.
Mỗi thế hệ trẻ chúng ta hôm nay cần
nhận thức rõ hơn trách nhiệm, tình cảm của mình đối với sự hi sinh mất
mát của các anh, các mẹ, từ đó ra sức học tập rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt,
góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập,
chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho nhân
dân. Xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, giàu mạnh hơn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét