TỰ HÀO LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA DÂN TỘC - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

TỰ HÀO LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA DÂN TỘC

CHIẾN THẮNG XUÂN LỘC - TINH THẦN “QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG” CỦA BỘ ĐỘI TA

Hải Bùi

    Bị thất bại thảm hại ở Tây nguyên, Huế, Đà Nẵng, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Mỹ - Ngụy quyết “tử thủ” Sài Gòn bằng cách xây dựng lên các tuyến phòng thủ, nhất là ở những khu vực then chốt vùng ngoại vi; trong đó thị xã Xuân Lộc được chúng xác định là “cánh cửa thép” phía đông. Ở đây, địch bố trí một lực lượng lớn gồm: sư đoàn 18 bộ binh mạnh nhất của Quân đoàn 3 Ngụy, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu doàn bảo an của tiểu khu Long Khánh.

    Đối với ta, ngày 7- 4 -1975, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn, giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 và sư đoàn 6, chủ lực Quân khu 7 đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tạo thế bao vây, áp sát Sài Gòn. Theo kế hoạch ban đầu, ta tổ chức tiến công thẳng vào thị xã Xuân Lộc, mở cửa ngõ phía Đông tiến vào Sài Gòn. Do pháo binh của ta chưa phát huy được tác dụng trong khi pháo binh và không quân địch đánh phá ác liệt, cộng với một lực lượng lớn quân Ngụy đã được tăng cường cho Xuân lộc nên những ngày đầu của cuộc chiến ta gặp những khó khăn nhất định. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn 4 đã kịp thời tổ chức nghiên cứu đánh giá lại tình hình một cách khách quan, khoa học; nhanh chóng quyết định chuyển phương pháp tác chiến, từ tiến công thẳng vào Thị xã sang bao vây, chia cắt, tiêu diệt viện binh địch, nhằm phát huy sở trường, thế mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu và hạn chế tối đa điểm mạnh của địch.

    Qua nghiên cứu, ta nhận định, địch bị thiệt hại, đang hoang mang, lúng túng, nhưng lực lượng của chúng còn tương đối mạnh. Chúng quyết tâm bảo vệ Thị xã bởi vì Xuân Lộc có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến phong thủ Biên Hòa - Bà Rịa Vũng tàu. Nếu để mất Xuân Lộc, đồng nghĩa với việc Sài Gòn thất thủ và cũng là “dấu chấm hết” đối với chế độ “Việt Nam Cộng hòa”. Do đó, ta nhanh chóng chuyển sang bao vây, chia cắt Xuân Lộc với Sài Gòn, kéo viện binh địch ra để tiêu diệt, đồng thời nắm bắt thời cơ để các lực lượng của ta phát huy sở trường, thế mạnh tiêu diệt địch, chọc thủng tuyến phòng thủ phía đông tiến vào trung tâm Sài Gòn tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng.

Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, các đơn vị của ta tích cực chiến đấu tiêu diệt phần lớn quân địch ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, Bà rịa Vũng tàu. Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến và thế trận đã bày sẵn của ta. Xuân Lộc bị bao vây và toàn bộ các căn cứ của địch trong Thị xã đều bị trọng pháo của ta bắn mãnh liệt. Bị bất ngờ, địch vội vàng điều Lữ đoàn 3 kỵ binh, thiết giáp từ Biên Hòa ra phản kích, ứng cứu theo đường số 20, nhưng chưa kịp đứng chân đã bị lực lượng của Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95 được pháo binh chi viện đánh lui, chiếm ngã ba Dầu Giây. Trong lúc đó, Quân đoàn 4 tiếp tục sử dụng pháo binh tiêu diệt các trận địa pháo; đông thời, chi viên cho bộ binh tiêu diệt địch đến ứng cứu theo đường số 1, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đứt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa và tiêu diệt địch từ Xuân Lộc ra ứng cứu cho vòng ngoài. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, đêm 20- 4- 1975, quân địch ở Xuân Lộc rút chạy theo đường số 2 về Bà Rịa đã bị lực lượng của Quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang Quân khu 7 chặn đánh dọc đường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng, buộc chúng phải bỏ lại nhiều xe, pháo, súng đạn. Trong trận đánh, chúng ta đã tổ chức phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng có hỏa lực mạnh với lực lượng bộ binh tiêu diệt phần lớn địch ở vòng ngoài công sự và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của chúng; bao vây, chia cắt Xuân Lộc, buộc địch phải bỏ chạy về Sài Gòn. Thị xã Xuân Lộc được giải phóng, Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các lực lượng vũ trang địa phương hình thành các mũi các hướng ở phía Đông - Đông nam Sài Gòn, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

    Chiến thắng Xuân Lộc năm xưa, mà điểm nhấn là chuyển cách đánh kịp thời, sáng tạo góp phần vào thắng lợi chung của “chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn Miền nam, đất nước thống nhất. Đây là bài học quý báu đối với sự nghiệp xậy dựng và bảo vệ Tổ quộc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ngày nay.

    Trong tương lai, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra với nước ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh tổng lực, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, với quy mô, cường độ lớn. Vì thế, ngay trong hòa bình, chúng ta cần phải đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh, Thành phố vững chắc. Phải tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới, trong đó, cần chú trọng đúc rút bài học kinh nghiệm từ những trận đánh, những cuộc chiến đấu như trong trận Xuân Lộc. Bài học và tinh thần của chiến thắng Xuân Lộc với tư tưởng kiên quyết tiến công, nghệ thuật chuyển cách đánh kịp thời, sáng tạo vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội ta trong tình hình mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét