- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024



 TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN - VỊ TƯỚNG TÀI BA CỦA ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI

Tony Tèo     

          Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện sức mạnh của cả dân tộc, là thành quả của trí tuệ, ý chí và nghị lực, quyết tâm giành độc lập tự do của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên con đường ấy có mặt đầy đủ những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có tên tuổi của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên đã sớm tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi; được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 16 tuổi. Khi được bầu là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, Ông lấy tên là Nguyễn Văn Đồng; kháng chiến chống Pháp lấy tên là Đồng Sỹ Nguyên và tên gọi Đồng Sỹ Nguyên.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị, chức vụ quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ đầu năm 1967-1976, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao, có ý nghĩa chiến lược rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường Miền Nam.

Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở “đường kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch; đẩy mạnh vận tải cơ giới, vận tải đường song, Đoàn 559 đã giao cho các chiến trường khối lượng vật chất gấp 180 lần so với giai đoạn I, phục vụ đắc lực cho toàn chiến trường đánh thắng một bước căn bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Ngoai ra, Bộ đội Trường Sơn còn góp phần quan trọng giành chiến thắng trong các chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị.

Giai đoạn 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp 318 lần so với giai đoạn 1959-1964, tham gia nhiều chiến dịch lớn, như Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần hết sức quan trọng giải phóng Tây Nguyên. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam.

Sau khi ký Hiệp định Paris, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.

Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đầu năm 1974, Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng; tập thể Bộ đội Trường Sơn và 82 tập thể, 51 cá nhân thuộc Bộ đội Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm và giữ các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh công trình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặc phái viên Chính phủ... Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.

Với 71 năm hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân Việt Nam. Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Kỷ niệm 101 năm ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.

                                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét