Tưởng nhớ 80 ngày mất đồng chí Tô Hiệu (07/3/1944 – 07/3/2024)
Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển cơ sở và phong trào cách mạng, đóng góp quan trọng tạo nên những trang vàng lịch sử cách mạng Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến, anh hùng, đồng chí Tô Hiệu cùng bạn bè và nhiều người thân tham gia các hoạt động cách mạng rất sớm.
Ngay
từ năm 1926, khi 14 tuổi, là học sinh trường tỉnh Hải Dương, Tô Hiệu đã hăng
hái tham gia các phong trào yêu nước, tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu
Trinh, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu đến các phong trào yêu nước của các
chí sỹ Hà Nội... Khi được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt
Nam Thanh niên cách mạng, Tô Hiệu tham gia tuyên truyền, vận động kết nạp người
vào các đoàn thể quần chúng, dự mít tinh, biểu tình, tổ chức phát truyền đơn,
treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm.
Với sự hoạt động tích cực, Tô Hiệu đã được tổ chức đưa vào tổ thanh niên xích
vệ, có nhiệm vụ bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các đồng chí cán
bộ diễn thuyết.
Năm
1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực
dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí
cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, đã theo người
anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt
động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không
thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu
lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội
gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.
Chính
từ đây, Tô Hiệu được sống cùng các người tù cộng sản, được giác ngộ chủ
nghĩa Mác-Lênin và đi theo ngọn cờ của Đảng. Thông qua hoạt động thực tiễn và
sự giúp đỡ của các nhà cách mạng (như Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng…),
Tô Hiệu đã chuyển biến nhận thức sâu sắc, từ người đảng viên của Việt Nam quốc
dân Đảng trở thành người cộng sản kiên trung, chính thức trở thành đảng viên
của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi.
Năm
1934, Tô Hiệu mãn hạn tù trở về, nhưng bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê
Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Lao tù và sự quản thúc
gắt gao của kẻ địch không thể lay chuyển ý chí người cộng sản, Tô Hiệu tiếp tục
gây dựng phong trào cách mạng, không ngừng tổ chức các hoạt động nâng cao dân trí,
dân sinh, lập ra “Hội Nông dân tương tế”, vận động
thành lập thư viện và bí mật tuyên truyền đọc sách báo của Đảng tại nhà anh
Nguyễn Phùng. Nhà thân mẫu đồng chí Tô Hiệu cũng là một cơ sở cách mạng tin cậy
của Đảng, đã nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí Trường
Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Đặc biệt, đồng chí Tô
Hiệu trực tiếp vận động bà con và người làm ăn xa góp công, góp của xây dựng
Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lúc ấy.
Sự kiện thành lập Trường Kiêm Bị Xuân Cầu đánh dấu bước phát triển mới của
phong trào vận động cách mạng tại địa phương, chắp cánh ước mơ được học hành,
nâng cao dân trí. Bọn mật thám thực dân, hào lý trong làng tuy biết Tô Hiệu tổ
chức các hình thức hoạt động cho thanh niên là nhằm tuyên truyền giác ngộ cách
mạng nhưng không thể làm gì cản trở được…
Cũng
trong thời gian này, Tô Hiệu đã bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây
dựng cơ sở cách mạng, xây dựng và phát triển Đảng. Năm 1936, vượt qua sự bao
vây, phong tỏa của địch, Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng
Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ
thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh,
dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Tháng 2/1939, được Trung ương phân công về
phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng
Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực chỉ
đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong
nước.
Khi
thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy,
phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị
mới, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo
nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng. Trong thời gian là Bí thư Thành
ủy Hải Phòng, đồng chí vừa chú trọng công tác tuyên truyền theo phương thức rải
truyền đơn, dán áp phích, vừa coi trọng tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực
báo chí, trong đó tờ “Chiến đấu” là cơ quan tuyên truyền của Liên
tỉnh B do đồng chí Tô Hiệu sáng lập, vừa là chủ bút, vừa là phóng
viên.
Mặc
dù từ năm 1938, do hoạt động đấu tranh vất vả và trải qua đòn roi tra tấn dã
man của địch trước đây, sức khỏe bị suy yếu, đồng chí Tô Hiệu đã mắc bệnh lao
phổi, song vẫn tiếp tục lãnh đạo những cuộc đấu tranh với hàng vạn thợ thuyền
nổ ra liên tiếp ở khắp các ngành kỹ nghệ, lan rộng khắp nhà máy và đông đảo
quần chúng nhân dân, khiến thực dân Pháp hoang mang, sợ hãi. Vì vậy, địch đã
tìm cách khống chế hoạt động của đồng chí Tô Hiệu.
Ngày 1/12/1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng), đồng
chí bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào
đấu tranh mới. Chuyển hết đề lao Hải Phòng đến nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), bằng
mọi thủ đoạn, tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ, nhưng kẻ thù đã không thể lay
chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng
12/1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi Nhà tù ở Sơn La. 5
năm tù đày kìm kẹp, bị tra tấn dã man tại nhà tù thực dân địa ngục, nhà cách
mạng Tô Hiệu không những không nhụt chí chiến đấu mà còn tích cực vận động
phong trào “Lập ra Chi bộ”. Kết quả là Chi bộ
nhà tù Sơn La được thành lập, tháng 02/1940, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi
uỷ viên; tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ
trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ.
Tháng
5/1941, Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo,
cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Đây là một sự kiện lớn của hoạt động
tuyên truyền tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, có tác động cổ
vũ, động viên rất lớn đối với anh em tù nhân.
Đồng chí Tô Hiệu, người lãnh đạo quả cảm và tích cực tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, đã từng bước gieo ươm hạt giống đỏ truyền thống cách mạng từ những phong trào ban đầu và từ trong bóng tối của các nhà tù thực dân, lan toả và phát triển phong trào cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.
Ngày 07/3/1944, nhà cách mạng Tô Hiệu đã ra đi mãi mãi trong vòng tay thương mến của đồng đội. Với 32 tuổi đời, hơn 18 năm hoạt động, từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, hoạt động trên nhiều cương vị lãnh đạo; hai lần bị tù đày, tra tấn dã man tại nhà tù thực dân đế quốc, ý chí và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ở đồng chí Tô Hiệu không hề lay chuyển.
Bản lĩnh kiên cường, bất khuất và công lao đóng góp của
đồng chí Tô Hiệu đã góp phần xây đắp di sản tinh thần cách mạng quý báu, làm
nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và
xã hội xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét