CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3) - TỰ HÀO
PHỤ NỮ VIỆT NAM ANH HÙNG
Quang Thảo
Dưới thời kỳ phong kiến,
hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai vị nữ tướng đầu tiên của dân tộc ta, đã
đứng lên phất cờ khởi nghĩa giành lại quyền độc lập tự chủ cho non sông gấm vóc
vua Hùng để lại. Hai người phụ nữ anh hùng, đã quả cảm phát động và lãnh đạo
nhân dân khởi nghĩa, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán. Chỉ
trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi, được
tôn làm vua và lập nên nền độc lập tự chủ trong vòng ba năm, sau hơn 200 năm
chìm đắm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Cuộc khởi
nghĩa này đã liên kết được sức mạnh toàn dân, trong đó có đông đảo phụ nữ, như
các nữ tướng: Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa… Những nữ tướng trên đã trở thành
tiêu biểu cho tấm gương người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ
dân tộc, được nhân dân tôn vinh cho đến mãi về sau.
Tiếp nối trang lịch sử
vẻ vang đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải
phóng đất nước thì vai trò cao cả của người phụ nữ lại càng được khẳng định. Sự
tham gia đông đủ của lực lượng phụ nữ trong thời kỳ kháng Pháp – Mỹ đã đưa đến
thắng lợi và lập lại hòa bình cho nước ta, hình ảnh các nữ anh hùng như Nguyễn
Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Thị Định, Trần
Thị Quang Mẫn, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Út (Út Tịch), 10 cô gái ngã ba Đồng
Lộc, 12 cô gái Truông Bồn... là những hình ảnh đẹp nhất, biểu tượng cho khí
phách anh hùng, gan dạ của người phụ nữ Việt Nam.
Với người nữ anh hùng
Trần Thị Lý, chị tham gia Cách mạng từ năm 12 tuổi, tham gia đường dây nằm vùng
và đã từng 02 lần bị bắt. Năm 1956, bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt lần
thứ 03, chị bị tra tấn với những hình thức dã man nhất như: giật điện, dùi đâm,
đổ nước xà phòng, dùng dao cắt vú, dùng lửa nung bộ phận sinh dục đến nỗi bị
mất khả năng sinh sản… nhưng người phụ nữ trung kiên ấy vẫn không hé răng dù
chỉ một lời. Tháng 10/1958, chị bị tra tấn tới kiệt sức, phía địch cho rằng chị
không thể sống được nữa nên đem vứt ra ngoài nhà lao, chị may mắn thoát chết
một cách hi hữu, được đưa ra miền Bắc chữa trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt –
Xô. Tình trạng suy kiệt, 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, sức khỏe
giảm sút nghiêm trọng, cân nặng chưa đến 26kg. Khi nhà thơ Tố Hữu đến thăm Trần
Thị Lý, ông đã khóc rất nhiều vì quá xúc động, bài thơ Người con gái Việt Nam
của ông ra đời, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc
tế:
“Em là ai, cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi,
Mái tóc em đây, là mây hay là suối,
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông,
Thịt da em hay là sắt là đồng ?”
… “Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi em đã sống !
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Ko giết được em, người con gái anh hùng !”
… “ Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như tuổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.”
Còn tại chiến trường của
quê hương Quảng Ngãi, hình ảnh người con gái tuổi đôi mươi Đặng Thùy Trâm đã hy
sinh cả tuổi thanh xuân và cuộc sống đầy đủ, ổn định với tấm bằng bác sĩ loại
ưu tại quê nhà để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, đã cứu
chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân Đức Phổ. Ngày 22/6/1970, Bệnh xá
Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích và đồng chí Đặng Thùy Trâm anh dũng hy sinh khi
chưa tròn 28 tuổi đời. Thử hỏi tuổi trẻ Việt Nam sao không động lòng, người
chiến sỹ hôm nay sao không cảm động và học tập từ sự cống hiến và hy sinh ấy.
Thật tự hào! hình ảnh
các đội nữ pháo binh Trung và Nam Bộ cho đến các nữ chiến sĩ đồng bào dân tộc
hăng say vót chông diệt địch, các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở miền Bắc
và miền Nam, các nữ chiến sĩ đặc công và biệt động chiến đấu thầm lặng và anh
dũng…, các bà mẹ anh hùng đáng kính, và biết bao người chị, người vợ lao động
quên mình với tinh thần tất cả cho mặt trận. Mẹ Suốt, người chèo đò chở bộ đội
qua sông trong những ngày chiến đấu ác liệt Trên sông Nhật Lệ, những cột nước
đen ngòm tung lên dữ dội bởi đạn bom. Bất chấp cả những lần máy bay bổ nhào,
phóng róc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, mẹ Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay
chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để ta đánh
trả quân thù. Mẹ Thứ, người dành cả cuộc đời để phục vụ cách mạng, hàng trăm
cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc..., nuôi con
cháu trong cảnh lận đận, đói nghèo nhưng khi Tổ quốc cần, mẹ Thứ động viên,
tiễn các con ra chiến trường rồi lần lượt mẹ đón nhận nhiều nỗi đau của sự hi
sinh mất mác, 9 người con trai, con rể cùng 2 cháu ngoại hy sinh. Sự mất mát,
hy sinh của gia đình mẹ Thứ không có bút mực nào diễn tả hết.
Trên đây chính là bức
tranh rất hiện thực về hình ảnh tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến
tranh ác liệt và tàn khốc, là vẻ đẹp đáng tự hào về người phụ nữ Việt
Nam.
Tiếp tục phát huy truyền
thống yêu nước, dũng cảm và gan dạ ấy! Phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục tỏ rõ
năng lực và khẳng định mình. Để khẳng định vai trò của mình, người phụ nữ của
thời hiện đại không thể tách rời gia đình và xã hội. Bởi lẽ, để giữ gìn và phát
huy các chuẩn mực của người phụ nữ hiện là phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chính vì vậy, gia đình và xã hội phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho
phụ nữ phát huy được khả năng của mình.
Trong thời đại mới, bên
cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, người phụ nữ còn tiếp tục khẳng
định và phát huy vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội, tích cực tham
gia vào các hoạt động xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước…
Phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với đà tiến bộ
và phát triển hiện nay, nhất định phụ nữ nước ta sẽ tiếp tục phát huy được
truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để đóng góp xứng đáng
vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời luôn là chỗ
dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng giàu
đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét