TỰ HÀO VÀ TRÂN TRỌNG - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

TỰ HÀO VÀ TRÂN TRỌNG

THÀNH TỰU CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Lục Công - Hùng Nguyên


Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày 21/6/1925, cũng là ngày ra đời tờ báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập.

Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (báo chí Cách mạng Việt Nam – báo chí chính thống) là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. (Điều 4, Luật Báo chí 2016).

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn thực hiện tốt nhiệm vụ hàng đầu là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; khẳng định rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là người tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm cho các thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đó đến với quần chúng nhân dân một cách chính xác, kịp thời, an toàn và hữu dụng; đồng thời, thực hiện chức năng phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực chống phá cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, với vai trò là kênh thông tin chính thống, báo chí Cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ; cùng các kênh truyền thông khác đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của quảng đại công chúng. Các thể loại báo chí cách mạng như: báo in, báo phát thanh, báo hình và báo điện tử thực sự là phương tiện truyền thông được các doanh nghiệp và người dân ưa dùng vì độ uy tín và chuẩn mực của nó. Số lượng các cơ quan báo chí và người làm báo tăng lên nhiều so với những năm đầu đổi mới; các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, chức năng của mình, nhất là chức năng phản biện xã hội, thực sự là diễn đàn của Nhân dân.

Tính đến tháng 9-2023, nước ta có 78 triệu người sử dụng internet; mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số; người dân Việt Nam có thể kết nối với các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương tới địa phương thông qua mạng xã hội để giải quyết các thủ tục hành chính, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng… Trên nền tảng hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao đó, các thể loại báo chí chính thống, nhất là các kênh báo điện tử đã không ngừng đổi mới cách thức cung cấp thông tin, cách tiếp cận người đọc, người xem, ngày càng được quảng đại công chúng tin dùng hơn. Công chúng có thể đọc, xem báo in trên nền tảng công nghệ viễn thông và ngay trên các trang báo điện tử để thỏa mãn nhu cầu thông tin mọi lúc, mọi nơi… Các thể loại báo chí Cách mạng, nhất là báo điện tử đều có khả năng truyền tải dung lượng thông tin lớn, đa dạng về loại hình như: giải trí, khoa học, giáo dục, làm việc..., đồng thời là công cụ hữu hiệu định hướng thông tin, trong đó có thông tin trên mạng Internet.

Những thành tựu đó của báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó có quyền tự do báo chí ở nước ta được bạn bè quốc tế nhiều nước ghi nhận, đánh giá cao.

Những thành tựu đó khẳng định rõ hơn: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin. Điều này được thể hiện bằng việc tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016…

Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), chúng tôi, những người được thụ hưởng thành tựu của Báo chí Cách mạng Việt Nam càng thêm trân trọng những thành tựu ấy. Kính chúc những người làm báo luôn có bản lĩnh, tâm huyết và tay nghề tốt nhất để cống hiến tốt hơn nữa cho cách mạng và quảng đại quần chúng nhân dân. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét