- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

 

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH - “LÕI VÀNG VĂN HÓA ĐẢNG”

Về mặt lý luận, văn hóa là những giá trị nhân đạo, nhân văn, chân - thiện - mỹ do con người sáng tạo, lưu giữ, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. V.I. Lênin từng chỉ rõ, phải xây dựng đảng cầm quyền thật sự là một đảng tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, khi đó Đảng chính là ở tầm cao của văn hóa. Chuẩn giá trị văn hóa Đảng chính là sự hiện diện của hệ giá trị chân, thiện, mỹ trong quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, với các đoàn thể, với nhân dân trong việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối; trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động; trong tác phong, lề lối làm việc, phong cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên….

Trong các giá trị, chuẩn mực văn hóa Đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình được Đảng ta xác định là một trong những nguyên tắc cơ bản, là vũ khí sắc bén, là động lực, là quy luật của sự tồn tại và phát triển của Đảng, đồng thời chính là “lõi vàng văn hóa Đảng”. Hiếm có đảng cầm quyền nào mà sinh hoạt tự phê bình và phê bình lại trở thành công việc thường xuyên, trở thành nếp sinh hoạt chính trị - văn hóa thấm đẫm giá trị nhân văn như Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa Đảng, “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Sự thừa nhận sai lầm và nghiêm túc sửa sai lầm của Đảng chính là văn hóa đảng trong tự phê bình và phê bình. Văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng thể hiện ở những giá trị chuẩn mực sau:

Thứ nhất, động cơ, mục đích trong sáng, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ và để đoàn kết tốt hơn. Theo Hồ Chí Minh, để tự phê bình và phê bình giữ vững giá trị là một nét đẹp của văn hóa Đảng, phải thực hành đúng mục đích phê bình, hướng tới sự tiến bộ của các tổ chức đảng và đảng viên. Nếu “Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to”. Và “Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ (thiếu văn hóa)”.

Thứ hai, chuẩn mực văn hóa tự phê bình và phê bình phải gắn với thái độ và phương pháp phê bình đúng đắn. Thái độ phê bình có văn hóa là sự thể hiện tình cảm đồng chí trong sáng, thẳng thắn, thật thà chân thành; phải thành khẩn, kiên quyết và có văn hóa. V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: "Tự phê bình và phê bình là việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn". “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay đều vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và sợ không dám nói lên những nhược điểm của mình. Một đảng "công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đẻ ra sai lầm… những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc và văn hóa".

Thứ ba, Phương pháp phê bình có văn hóa là phải thân ái, trong sáng, đúng lúc, thấm đượm tính nhân văn, phải mang tính khách quan, vô tư, có lý, có tình, cổ vũ ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nhược điểm. Phê bình không phải là sỉ vả, xúc phạm danh dự của nhau mà phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải; phải biết phân tích ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình theo quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể... Chỉ có phê bình như thế mới là phê bình chân chính và phê bình có văn hóa, có sức lan tỏa rất lớn đến lòng tự trọng, tính tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, thể hiện rõ ở những giá trị văn hóa ứng xử với chính mình và với mọi người. Trong ứng xử với bản thân mình, mỗi cán bộ, đảng viên nếu “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hoá thì không lãnh đạo được ai… Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính… thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”. Trong văn hóa ứng xử với mọi người, đảng viên cần xây dựng mối quan hệ phải thật sự là đồng chí, trên cơ sở tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Đó là phép ứng xử của tình yêu thương chân thành giữa những người cùng lý tưởng, nó hoàn toàn xa lạ với thái độ “dĩ hoà vi quý”, bao che sai lầm khuyết điểm, càng xa lạ với tranh giành địa vị, quyền lợi hay sự phục tùng một chiều của cấp dưới đối với cấp trên.

Đảng là bộ phận ưu tú nhất của dân tộc, vì vậy, văn hóa - với những giá trị tự thân của nó, cũng phải trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của Đảng và phát huy văn hóa tự phê bình và phê bình góp phần nâng cao văn hóa Đảng. Muốn vậy, phải “phê bình cho đúng”, làm cho sức mạnh, uy tín của Đảng và cán bộ, đảng viên tăng lên. Và “thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ. Nhưng mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa” là một chuẩn mực văn hóa để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với những giá trị đặc trưng đó, Tự phê bình và phê bình chính là chuẩn mực - “lõi vàng văn hóa Đảng”.

                                                                             Quê hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét