TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG THỰC HIỆN NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Bình VũTrong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng,
vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn,
tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc không
ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được
thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù
hợp.
Ngày pháp luật là điểm mốc để nhắc nhở mọi người dân phấn đấu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ghi nhận những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được kế thừa xuyên suốt qua các bản hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Ngày 09/11/1946 chính là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước ta và đã được chọn là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật) đồng thời chính thức được luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Theo đó, quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến,
giáo dục pháp luật: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp,
pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật
Việt Nam năm 2023 với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao
chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Tăng cường công tác
truyền thông, chính sách; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong
các lĩnh vực của các cấp các ngành đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, qua đó, giáo dục mọi người dân đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi
tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự theo yêu cầu của
pháp luật. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói
chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp
luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Với sự đồng tình hưởng ứng của đồng bào, chiến sĩ cả nước
và kiều bào ta ở nước ngoài, Ngày pháp luật đã và đang trở thành một sự kiện
chính trị - pháp lý trong đời sống tinh thần của cán bộ, nhân dân; ngày càng có
sức lan tỏa và huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị từ Trung ương
đến địa phương; xây dựng lòng tin đối với pháp luật để phục vụ tốt hơn yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã
hội. Ngày Pháp luật đã góp phần tôn vinh các giá trị, vai trò ý nghĩa đặc biệt
quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội và trong một Nhà nước
pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng
bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.
Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân
dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực
hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngày Pháp
luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn là thông điệp gửi đến Nhân dân
thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới
và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức
trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang trong
thực thi pháp luật là vô cùng quan trọng và cần thiết, vì tương lai của mỗi
người và tiền đồ của đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét