TƯ TƯỞNG, TÌNH CẢM CỦA
BÁC HỒ ĐỐI VỚI
THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ
An Nguyễn
Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các đồng chí
thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 27-7-1947, Người gửi thư
cho Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Và từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở
thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công,
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non
trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành
quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp
gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược.
Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã
vĩnh viễn nằm lại chiến trường.… Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ
không quên sự hy sinh lớn lao và chiến công của họ. Người đã đề ra phương châm
thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ thật rõ ràng, phù hợp với đạo lý truyền
thống của dân tộc và hoàn cảnh của đất nước. Ngày 16 - 2 -1947, Hồ Chủ Tịch đã
ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Người
quyết định chọn ngày 27-7 hàng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc”. Nhân ngày
thương binh toàn quốc đầu tiên 27-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xung phong gửi
1 chiếc áo lụa, 1 tháng lương, 1 bữa ăn của Người và của các nhân viên tại Phủ
Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng. Kể từ đó, dù không phải ngày 27-7, mỗi khi có dịp,
Người vẫn thường dành thời gian viết thư, động viên, quan tâm thăm hỏi, đến với
thương, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ. Trong lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948, Người viết: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến,
nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn
trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước
cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt
trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con
đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết
hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản
họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho
Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó
có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến
trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ. Người nhìn nhận một cách thấu
đáo mà hết sức sâu sắc sự cống hiến hy sinh của chiến sĩ với tình cảm sâu nặng
mà rõ ràng, khúc triết: Trong cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy
sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời
gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh xương máu có khi hy sinh cả tính mạng…. Đó
là một sự hy sinh tuyệt đối.
Mặc dù Người đã
đi xa, nhưng tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ với những người con thân yêu
đã mất một phần thân thể, thậm chí hy sinh cả tính mệnh của mình cho độc lập, tự
do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân thì vẫn còn sâu đậm mãi. Biết ơn những
người con anh dũng là những thương, bệnh binh, những liệt sĩ đã làm cho đất nước
ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”, ngày một phồn vinh và phát triển; chúng ta càng thấm nhuần hơn đạo lý uống nước
nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, lòng
tự hào dân tộc, càng ra sức chăm lo, thực hiện nghĩa cử cao đẹp “đền ơn đáp
nghĩa”.
77 năm trôi
qua, những tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ được Đảng
ta, nhân dân ta quán triệt và thực hiện từ trước đến nay, thể hiện qua các chủ
trương, chính sách của Đảng về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có
công với nước. Các chủ trương, chính sách đó được đổi mới và ngày một hoàn thiện,
đi vào cuộc sống, phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Kể từ năm
1994 khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đến
nay Quỹ đền ơn đáp nghĩa có được số tiền hàng nghìn tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Các bà mẹ
Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng trăm nghìn ngôi
nhà tình nghĩa được trao tặng. Nhiều phong trào có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện
tình cảm biết ơn vô hạn của toàn dân, toàn quân ta với các thương binh như tặng
sổ tiết kiệm, vườn cây “đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều việc hiếu nghĩa được tiếp tục
đẩy mạnh như tìm mộ liệt sĩ, nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa để
đi tìm đồng đội; quy tập hài cốt liệt sĩ, xây đài tưởng niệm, chăm sóc các
nghĩa trang liệt sĩ, xây mộ, dựng bia, tu bổ các công trình tưởng niệm liệt sĩ…
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều định hướng quan trọng tiếp tục hoàn thiện
chính sách với người có công. Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước
chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho những người và gia đình có
công. Đây là chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp tục đổi mới
và làm tốt chính sách với người có công không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý
nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa vô cùng sâu sắc “đời đời
giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” như Di chúc của Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét