Kỷ niệm 232 năm ngày mất vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ngày 29/7 - âm lịch (01/9 - dương lịch) - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Kỷ niệm 232 năm ngày mất vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ngày 29/7 - âm lịch (01/9 - dương lịch)

 VUA QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ VỚI HOÀI BÃO 

XÂY DỰNG MỘT NỀN GIÁO DỤC MANG ĐẬM TÍNH DÂN TỘC

Trần Tươi



Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, mà còn là một nhà chính trị có biệt tài. Cải cách nền giáo dục là một trong những chính sách xã hội nổi bật mà ông đã thực hiện, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược về hoài bão xây dựng một nền giáo dục mang đậm tính dân tộc.

Vua Quang Trung sinh năm 1753 tại vùng Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông là người có công lao to lớn thống nhất đất nước sau 300 năm bị chia cắt Nam Triều - Bắc Triều, Đàng Trong - Đàng Ngoài, quét sạch quân xâm lược Xiêm La, Mãn Thanh ra khỏi đất nước, với lời hịch vang vọng núi sông: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (tức là: Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ).

Tiếp nối truyền thống của một nước văn hiến, truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc, sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Quang Trung đã ban bố “Lập học chiếu” (chiếu về việc học) để chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà và coi trọng sử dụng người hiền tài, đề cao việc đào tạo nhân tài cho đất nước với mong muốn xây dựng một nền giáo dục mang đậm tính dân tộc.

Vua Quang Trung đã ý thức: “Trẫm buổi đầu đại định vẫn có ý coi trọng Nho học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn tìm những người thực tài để giúp ích cho đất nước”. Ông đã có chủ trương tiến bộ khi ban bố các chính sách và biện pháp cụ thể để phổ cập việc học và đào tạo người có thực tài, quy định các xã đặt chức giảng dụ để lo việc dạy học với mong muốn “xây dựng đất nước, lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình tuyển nhân tài làm gấp”. Chính vì thế, Vua Quang Trung đã mời Nguyễn Thiếp là người học giỏi, đỗ cao nhưng không làm quan, về quê ở ẩn, làm nghề dạy học dưới chân núi Thiên Nhẫn ra Phú Xuân giúp vua xây dựng lại đất nước. Trong công cuộc cải giáo dục của Vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp chính là người có công đầu, trực tiếp hiện thực hóa chủ trương cải cách giáo dục xây dựng nền giáo dục đậm tính dân tộc của Vua Quang Trung. Nhờ chính sách cầu hiền tài và sự giúp đỡ của Nguyễn Thiếp chỉ sau hai năm, các sách: Tiểu học, Tứ thư, kinh thi đã dịch xong sang chữ Nôm, biên soạn xong hai bộ sách: Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa phục vụ cho việc học. Trong chính sách cải cách giáo dục của mình, Vua Quang Trung yêu cầu sử dụng chữ Nôm vào học tập, khoa cử; điều này đã đưa chữ Nôm lên một địa vị mới, trở thành văn tự chính thức của quốc gia, đồng thời đánh đổ thành kiến độc tôn chữ Hán của các triều đại trước, khẳng định sự tự tôn dân tộc, thể hiện lòng tự tôn, tự hào, sự gìn giữ tiếng nói của dân tộc, bảo tồn nền văn hóa của Nhân dân. Việc học được tiến hành đến tận thôn xã - việc mà các triều đại trước đây không làm được. Trong khoa cử, vua Quang Trung cho chấn chỉnh lại những tiêu cực trong thi cử cuối thời Lê - Trịnh, sử dụng chữ Nôm vào khoa cử, quy định trong các kỳ thi, đề thi phải được ra bằng chữ Nôm, kỳ thi tam trường, thí sinh phải làm thơ phú bằng chữ Nôm, chấm dứt việc học giả thi giả để tiến thân.

Với những chính sách tiến bộ trên của Vua Quang Trung, mặc dù thời gian thực hiện ngắn nhưng những chính sánh này đã thể hiện một hoài bão lớn lao trong xây dựng một nền giáo dục mang đậm tính dân tộc và để lại nhiều bài học quý giá cho đời sau. Những tinh thần đổi mới nền giáo dục của vua Quang Trung đến nay, tiếp tục được Đảng và Nhà nước phát triển trong chủ trương "xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt suốt đời" và Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nhân 232 năm ngày giỗ Vua Quang Trung, 29.7 - âm lịch (01.9 - dương lịch), chúng ta  ôn lại một số công lao to lớn của ông bởi đây là dịp để các thế hệ người Việt Nam bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao của vị anh hùng dân tộc áo vải cờ đào đối với dân tộc. Đồng thời đó chính là nguồn cổ vũ, động viên để các thế hệ người Việt Nam nêu cao lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng, tiếp bước cha ông, phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét