GIÁ TRỊ PHÁP LÝ BẤT HỦ VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI
CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Thanh Hoa
Tuyên ngôn độc lập của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo là sự khẳng định
thành quả của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong
tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đó là những trang sử chói lọi
đánh dấu sự kết thúc của chế độ thuộc địa nửa phong kiến mở ra kỷ nguyên mới
cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Tuyên ngôn độc lập là bản tổng kết giá trị
pháp lý cao quý về quyền con người, quyền
của các dân tộc trên thế giới. Đó là quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc của con người.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thể hiện tư duy sâu sắc khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ
năm 1776 và Tuyên ngôn về Nhân quyền và
Dân quyền của nước Pháp năm 1791: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền
bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những
quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự
do và quyền mưu cầu hạnh phúc"... Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả
các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống,
quyền sung sướng và quyền tự do...Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[1]
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là quyền
thiêng liêng cao cả của con người, nhưng quyền con người phải nằm trong quyền
dân tộc và không tách rời quyền dân tộc.
Tự do và hạnh phúc của cá nhân chỉ có thể
đạt được đầy đủ khi quyền dân tộc được thực hiện hoàn toàn. Nếu 2 bản Tuyên
ngôn của Mỹ và Pháp đều nói đến quyền con người thì Hồ Chí Minh đã nâng quyền
con người lên thành quyền dân tộc. Bác đã rất tinh tế trích dẫn những nội dung
rất tiến bộ của hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, với ẩn ý trước hết
là nhắc nhở 2 nước này, phải công nhận quyền dân tộc của các dân tộc khác trong
đó có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời. Đó là sự thể hiện trong tư duy
sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, không chỉ mỗi con người được hưởng
quyền tự do, độc lập, hạnh phúc mà các dân tộc đều có quyền hưởng tự do, độc lập.
Đây chính là lẽ tự nhiên, là quy luật khách quan, không phải do ai ban tặng.
Với Bác, Tổ quốc được độc lập, Dân tộc được
tự do thì Nhân dân ắt sẽ hạnh phúc. Độc lập - Tự do – Hạnh phúc là Tuyên ngôn của
Người, là giá trị căn bản mà Người theo đuổi. Đó là ham muốn, ham muốn tột bậc,
là khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và đó cũng là giá trị vĩnh hằng,
là khát vọng ngàn năm của dân tộc ta - từ Cách mạng Tháng 8/1945, khai sinh ra
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với lời văn ngắn gọn, chặt chẽ, đanh thép
nhưng rất dễ hiểu và đi vào lòng người, bản Tuyên ngôn độc lập là một cơ sở
pháp lý vững chắc không chỉ giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc
mở ra thời kỳ mới cho dân tộc ta trên con đường phát triển.
Bản Tuyên ngôn có giá trị như một thông điệp
lịch sử, khi đưa ra lời khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết
đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự
do, độc lập ấy”[2].
Độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi người.
Đó là sự thống nhất biện chứng, thể hiện giữa khát vọng sống trong hòa bình, tự
do. Đây chính là ý nghĩa vượt thời đại khi những tư tưởng, quan điểm của Bác tới
nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầm
vóc một bản Tuyên ngôn dựng nước, lập quốc thời hiện đại, đã thể hiện rất rõ
quyền và giá trị thiêng liêng của Người.
79 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn độc lập –
văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân
tộc và thời đại, luôn sống mãi trong lòng các thế hệ con người Việt Nam, bởi
giá trị lịch sử pháp lý, nhân văn cao cả về quyền con người, quyền dân tộc được
sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Đây mãi luôn là mục tiêu cao nhất mà Đảng,
Bác Hồ và toàn thể Nhân dân Việt Nam lựa chọn trong mọi chặng đường xây dựng và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét