“HÃY GIỮ VỮNG CHÍ KHÍ CHIẾN ĐẤU!”
Hoài Trương
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu
tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cống hiển cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
của Đảng và dân tộc. Sự nghiệp cách mạng tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí Trần Phú đã trở thành một tấm gương sáng về chí khí cách mạng và tinh thần trung kiên, bất
khuất của người cộng sản.
Ngay ở tuổi thanh thiếu niên, đồng
chí Trần Phú đã phát huy truyền thống gia
đình, sớm hình thành chí hướng cứu nước, chọn nghề dạy học để đến với thế hệ
thanh niên tiên tiến, đã truyền cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh
cho độc lập, tự do của đất nước, của nhân dân. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng
của đồng chí Trần Phú là khi được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt
Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1926, đồng chí Trần Phú gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc
ở Quảng Châu và đề nghị thống nhất Tân Việt vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
và xin gia nhập tổ chức này; dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái
Quốc tổ chức. Tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) năm 1930, đồng
chí Trần Phú về nước, ở tuổi 26, được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng
10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của
Đảng. Tuy nhiên, chỉ gần một năm sau, sáng ngày 18/4/1931, tại cơ quan ấn loát
của Đảng, số nhà 66 đường Sampannho (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, Thành
phố Hồ Chí Minh), Tổng Bí thư Trần Phú đã bị địch bắt. Bắt được Tổng Bí thư Trần
Phú, bọn mật thám và cảnh sát đưa đồng chí về giam và hỏi cung tại bốt Pôlô rồi
đến bốt Catina. Nhiều tên mật thám, đao phủ nhà nghề của thực dân Pháp đã thay
nhau dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ mua chuộc, nhưng đều bất lực trước tinh
thần kiên trung, bất khuất của đồng chí Trần Phú. Chế độ tàn bạo của nhà tù đã
làm sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú suy kiệt. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn gắng gượng
đem hết chút sinh lực còn lại nhắn nhủ với các bạn chiến đấu rằng: "Trước sau
tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững khí chí chiến đấu!” và trút hơi thở cuối
cùng trên tay các đồng chí, các bạn chiến đấu của mình khi mới 27 tuổi đời...
“Hãy giữ vững chí khi chiến đấu!"
- câu nói nổi tiếng ấy của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành vũ khí, phương
châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam. Những
phẩm chất tốt đẹp, cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường,
bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú luôn sống
mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, trường tồn cùng sự
nghiệp cách mạng của dân tộc.
Lời căn dặn tâm huyết và trách
nhiệm của Tổng Bí thư Trần Phú vẫn vẹn nguyên giá trị trong điều kiện mới. Hiện
nay, hàng ngày, những tác động tiêu cực từ điều kiện ngoại cảnh, nhất là sự cám dỗ của đồng tiền và danh vọng đang làm suy thoái đạo đức,
lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, gây bao tiêu cực trong xã hội. Lời
nhắn nhủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” của Trần Phú vẫn là lời kêu gọi khẩn
thiết với những chiến sĩ cộng sản và các bạn trẻ. Hiện nay, sự nghiệp cách mạng của Đảng và
nhân dân đứng trước những thử thách mới, kẻ thù ẩn hiện với muôn hình vạn trạng,
nhằm mục đích làm lay chuyển ý chí chiến đấu, trước hết là làm lay chuyển niềm tin
của người cách mạng; đòi hỏi phải nêu cao chí khí chiến đấu dũng cảm của mỗi
chúng ta với niềm tin khoa học vào chân lý cách mạng và định hướng phát
triển của đất nước. Đó là phải vững vàng khí phách để thắng những viên đạn bọc
đường, thắng những cám dỗ vật chất đời thường, từ đó góp phần xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, làm cho mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân ngày càng
khăng khít. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước; phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ - những người chủ tương lai của nước nhà là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong giai đoạn mới của đất nước. Vì vậy, lớp trẻ trong đó có đông đảo là cán
bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự rèn luyện để có đủ phẩm chất, năng lực phụng
sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải nêu gương về tinh thần lao động, trách nhiệm
và tình yêu quê hương, phải sống và làm việc với tinh thần tự lực, tự cường và
khát vọng phát triển; đồng thời luôn nêu cao tinh thần đấu tranh với tiêu cực,
trước hết là đấu tranh với chính mình, không để bản thân nảy sinh tư tưởng tự
mãn, lơ là, thiếu kiên nhẫn, kiên trì, thiếu tinh thần đổi mới và sáng tạo, thiếu
trách nhiệm và tinh thần đoàn kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét