Tính chất nguy hại của “bệnh” thành tích, háo danh
trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Ở đời ai cũng muốn có danh phận cao, được xã hội tôn
vinh. Vấn đề đáng bàn là người ta không nhận thức đúng, sa vào ham muốn danh vọng
quá mức, trở thành căn “bệnh” thành tích, háo danh. Đó là vấn đề cần bàn trong
công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã
chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên là: “Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi
phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, “chạy thành
tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.
“Bệnh” thành tích, háo danh không phải đến nay mới xuất hiện. Cách đây
hơn 90 năm, khi Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm
1927), Người đã dành những trang đầu tiên để nói về tư cách của người cách mạng.
Người chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu
chuẩn là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Và sau đó 20 năm, khi viết tác phẩm “Sửa
đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện,
chỉ ra và cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải.
Một trong những sai lầm, khuyết điểm đó là “bệnh” thành tích mà Người gọi là “bệnh
hữu danh vô thực” với các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một
bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”, “khuyết điểm thì giấu đi
không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì
cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài,
chỉ muốn phô trương cho oai”. Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải “căn
bệnh” này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác
tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang,
vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi
vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy
viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…
Lâu nay, việc thổi phồng thành tích, háo danh, phô trương đã và đang tiếp
tục trở thành “căn bệnh” của không ít cá nhân, tập thể. Điều đáng nói là “bệnh”
này đang có chiều hướng lây lan ngày càng rộng và diễn ra ở nhiều lĩnh vực:
kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật, thi đua khen thưởng... Điều
đáng lo ngại nhất là nó đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng Đảng và ở không ít
cán bộ, đảng viên; trong đó, có cán bộ có chức, có quyền, cán bộ chủ chốt, đứng
đầu đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, “bệnh” thành tích, háo danh trong lĩnh vực xây dựng Đảng biểu
hiện ở rất nhiều vấn đề, từ công tác cán bộ đến đánh giá chất lượng tổ chức đảng,
đảng viên, phát triển đảng viên mới và kiểm tra, giám sát.
Thông thường, từ háo danh nên sinh ra “bệnh” thành tích và từ thành
tích gian dối có được càng thúc đẩy sự háo danh nảy nở, phát triển. “Bệnh”
thành tích là mặt trái của thành tích. Đó là thành tích giả, thành tích ảo,
thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể là
thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực,
cố gắng trong thi đua mà “cố đấm ăn xôi” để đạt được bằng mọi giá thông qua sự
bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”. Điều nguy hại là “bệnh” thành tích, háo danh
suy cho cùng chính là sự giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Đã có những phần
thưởng, danh hiệu cao quý được trao trên cơ sở căn cứ vào những báo cáo thành
tích gian dối, tạo cơ hội cho người được khen thưởng sớm tăng lương trước thời
hạn, có điều kiện thăng chức, bổ nhiệm. Có những cán bộ bị truy tố trước pháp
luật thời gian qua đã minh chứng rất rõ điều này. Họ đã đi lên bằng việc che giấu
những sai phạm nghiêm trọng, bằng những thành tích hào nhoáng, không có thật,
nhưng lại được hợp thức hóa bằng những phần thưởng cao quý.
“Căn bệnh” này là một trong những tác nhân làm suy giảm niềm tin
của nhân dân vào một bộ phận “công bộc” của dân, làm sai lệch những chuẩn mực
xã hội, gây thiệt hại không nhỏ cả về vật chất và tinh thần đối với Đảng, Nhà
nước và chế độ.
Cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, “bệnh” thành tích, háo danh
đã, đang đe doạ tới sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm lòng tin của
nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.
Chính vì vậy, nhận thức đúng và phát hiện “bệnh” thành
tích, háo danh kịp thời ngăn ngừa, là điều cấp thiết, cần kíp lúc này của Đảng.
Đó là phần việc quan trọng, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
trong công cuộc phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ,
đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra, nhằm xây dựng Đảng Cộng
sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức là văn minh”
Nguyễn Danh Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét