KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946-19/12/2023)
NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12), THỂ HIỆN Ý CHÍ,
QUYẾT TÂM SẮT ĐÁ CỦA
CẢ DÂN TỘC VIỆT NAM
Tony Tèo
Cách đây 77 năm, vào ngày
19/12/1946 thay mặt Ban Thường vụ Trung ương
Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ
Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, đáp lời kêu gọi cứu nước
thiêng liêng của Người, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề, đoàn kết đứng lên cầm
vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc
lập, tự do của Tổ quốc.
Ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, nay
thuộc thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông
Dương họp
mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, ra quyết định cả nước Việt Nam
bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vào lúc 20 giờ ngày 19
tháng 12 năm 1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến được phát ra, đồng thời quân và
dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trên toàn quốc Việt Nam.
Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi Toàn
quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước Việt Nam,
với lời khẳng định rất hùng hồn:…“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”…Đó là lời hịch
cứu nước, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy sức mạnh
chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ
vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến giành lại
độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với
tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng nhất tề
đứng lên đánh giặc cứu nước, bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt,
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo
đảm an toàn cho Nhân
dân; chuyển hàng nghìn tấn máy móc, vật tư ra an toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu
cho kháng chiến. Chỉ
sau một thời gian ngắn, đất nước Việt Nam đã chuyển hướng theo điều kiện thời
chiến. Cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội cũng như cả nước trong
những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “đánh
nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm tiền đề cho những
thắng lợi về sau của dân tộc Việt Nam.
Còn về phía thực dân Pháp, với bản chất cố hữu của kẻ thực
dân xâm lược, sau khi được tăng cường lực lượng, chúng mở rộng vùng chiếm đóng,
ráo riết thực hiện đòn tấn công quyết định nhằm sớm kết thúc chiến tranh. Thời
điểm Thu - Đông năm 1947, Bộ Chỉ huy quân viễn
chinh Pháp ở Đông Dương huy động một lực lượng khá lớn, mở cuộc hành quân lên
Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân chủ lực, tiêu diệt cơ quan đầu não, phá tan căn cứ
kháng chiến của ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ và
tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó khăn, quyết tâm cao, quân và dân Việt
Nam đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch
Thu - Đông năm 1947, làm thất bại hoàn toàn
chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”của thực dân Pháp, mở ra giai
đoạn mới cho cuộc kháng chiến chính nghĩa.
Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của Việt Nam
trưởng thành về mọi mặt. Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu hao một
bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc,
mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với
các nước xã hội chủ nghĩa. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và
dân Việt Nam
làm nên thắng lợi quan trọng, tạo được bước ngoặt rất căn bản, đưa cuộc kháng
chiến của dân tộc bước sang giai đoạn phản công, buộc quân Pháp phải lui dần về
thế phòng ngự.
Trước tình trạng sa lầy của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ can, tháng
2/1951, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng
Việt Nam lúc này là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp
Mỹ, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn và bảo vệ hòa bình thế giới. Tháng 7/1953 dựa vào sự viện trợ của
Mỹ, thực dân Pháp lập kế hoạch Nava hòng làm xoay chuyển tình thế, nhằm lấy lại
thế chủ động, tiến tới tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta để kết thúc chiến tranh.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, kiên cường làm
thất bại kế hoạch của địch, buộc Nava phải đưa quân chủ lực lên Điện Biên Phủ,
thành lập tập đoàn cứ điểm khổng lồ để tiêu diệt “chủ lực Việt Minh”.
Tuy nhiên, sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường,
anh dũng,
tập đoàn cứ điểm này đã bị quân và dân Việt Nam đập tan. Chiến thắng Điện Biên
Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động
địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt
chiến tranh ở Đông Dương. Từ
đó, miền Bắc Việt Nam
được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới: Xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét