PHÁP LUÂN CÔNG CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO?
Nguyễn Hào
Hiện nay, Pháp luân công đang được tuyên truyền ở Việt Nam,
với các thủ đoạn, hoạt động vừa lén lút vừa công khai bằng các hình thức khác
nhau, như: phát tán nơi công cộng hoặc trong khu dân cư; lập các trang Web và
tài khoản mạng xã hội truyền bá qua Internet; gửi tài liệu qua đường bưu chính
đến nhiều đối tượng khác nhau; tiếp cận những vùng dân trí còn hạn chế để lôi
kéo tham gia… đã gây tác động xấu tới an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều
địa phương. Cần hiểu đúng bản chất và có ứng xử theo đúng pháp luật đối với Pháp
luân công, không ngộ nhận dẫn đến bị mê hoặc, tiếp tay và tham gia Pháp luân công,
bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động chống phá Đảng,
Nhà nước.
Nguồn gốc của Pháp luân công?
Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp do Lý Hồng Chí (sinh
năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) sáng lập ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990;
hiện nay Pháp Luân Công có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ). Pháp luân công bị cấm hoạt
động ở Trung Quốc từ năm 1999, còn người sáng lập Pháp Luân Công là Lý Hồng Chí
đã chạy sang Hoa Kỳ từ năm 1996.
Pháp luân công có phải là một tôn giáo?
Trước hết, phải khẳng định Pháp luân công không phải tôn
giáo. Hiện tại, Pháp luân công không được công nhận, không được cấp phép hoạt
động tại Việt Nam, mọi hành vi truyền bá Pháp luân công trên lãnh thổ Việt Nam
đều là trái pháp luật.
Về mục đích của Pháp luân công
Pháp luân công thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn
giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà vay mượn, cắt xén của các tôn
giáo khác để hình thành.
Sau 30 năm, thực tế cho thấy Pháp luân công không phải tôn
giáo, tín ngưỡng, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa
học hay lý thuyết tư tưởng hệ, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn, cắt xén của các
tôn giáo khác để hình thành. Cụ thể, Pháp luân công tự cho mình là một hệ phái
Phật giáo, nhưng các bài tập theo Pháp luân công bản chất là sự tạp pha theo
lịch sử khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sĩ Đạo giáo và học giả Nho giáo
luyện tập từ xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể
chất. Một số chức sắc Phật giáo, nhà nghiên cứu nhận định Pháp luân công là một
“tà thuyết”, vay mượn kinh sách Phật giáo để viết sách “Chuyển pháp luân”. Lý
Hồng Chí (người sáng lập Pháp luân công) có ý đồ trở thành “Phật chủ” thay thế
Phật Thích ca mâu ni (ngồi trên đài sen, đầu tỏa ánh hào quang, thậm chí ông ta
sửa ngày sinh trùng với ngày sinh của Đức Phật Thích ca mâu ni...). Pháp luân
công lừa đảo, nô lệ hóa người tập, đả kích, chống Phật giáo. Nghị quyết của Đại
lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2010 tại Băng Cốc (Thái Lan) đã kêu gọi tăng ni,
phật tử không khích lệ đi theo trường phái của Lý Hồng Chí, vì đây là một
trường phái mượn danh nghĩa đạo Phật, nhưng lại bôi nhọ, đả kích, chống Phật
giáo.
Như vậy, mục đích thực sự của Pháp luân công là mượn vỏ bọc
của một môn khí công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng,
tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham gia, khuếch trương thanh
thế nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức, đòi công nhận tư cách pháp
nhân hoạt động.
Về tính chất phản khoa học của Pháp luân công
Pháp luân công lợi dụng các bài tập khí công, khuếch đại về
tác dụng của việc rèn luyện khí công đối với sức khỏe, kết hợp với hình thức tu
tập sử dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để dẫn tin tưởng tuyệt đối rằng những
người luyện tập Pháp luân công có thể tự khỏi được bách bệnh, kể cả những bệnh
hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc, không cần đến bệnh viện, đưa ra “luận
thuyết” nếu luyện tập đông, luyện tập gần nhau sẽ nhanh tạo ra “công lực”.
Pháp luân công vào Việt Nam đã gây không ít hệ lụy tiêu cực
cho xã hội. Thời gian gần đây, Pháp luân công ra sức tuyên truyền tà thuyết về
sự trừng phạt mà mỗi người phải gánh chịu khi đến “ngày tận thế” để hù dọa,
khống chế, kiểm soát tinh thần những người cả tin, nhẹ dạ. Một số đối tượng còn
thần thánh hóa Lý Hồng Chí là người tạo ra thế giới muôn loài và cứu giúp chúng
sinh. Do tin tưởng vào những luận điệu thiếu căn cứ nêu trên, những người tin
theo Pháp luân công khi có bệnh đã từ chối điều trị tại các cơ sở y tế vì cho
rằng luyện theo Pháp luân công sẽ chữa được “bách bệnh”, dẫn đến hậu quả đau
lòng. Nghiêm trọng hơn, từ sự mê muội mà một số người theo Pháp luân công đã tự
biến mình thành tội phạm. Điển hình như vụ án xảy ra vào năm 2019, tại tỉnh
Bình Dương, đối tượng Phạm Thị Thiên Hà đã cầm đầu một nhóm tu luyện Pháp luân
công thực hiện hành vi giết chết 02 người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông hòng phi
tang xác nạn nhân. Nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn cá nhân trong quá
trình "tu tập" giáo phái lạ... Trong thời gian dịch bệnh Covid-19,
các đối tượng luyện tập Pháp luân công tại Việt Nam đã ra sức tuyên truyền,
phát tán tài liệu nhằm mục đích kêu gọi sự tham gia của nhiều người cùng vào
luyện tập. Điển hình như vụ việc đưa nội dung tuyên truyền Pháp luân công vào
gói khẩu trang để phát tán, bị lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện vào
cuối tháng 3/2020. Vào tháng 4/2020, Công an tỉnh Bình Phước cũng phát hiện 02
đối tượng lợi dụng việc phát cơm từ thiện để phát tán tài liệu tuyên truyền về
Pháp luân công (Theo Báo Công an nhân dân).
Cho đến nay, trên thế giới chưa có bất kỳ công bố khoa học
nào khẳng định, hoặc công nhận tác dụng của phương pháp tu tập Pháp luân công
như những gì Pháp luân công đang tuyên truyền; trên thực tế nhiều người bị bệnh
đã cả tin, không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện, lấy các bài tập
Pháp luân công là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh dẫn đến bệnh tật không
thuyên giảm, một số trường hợp đã tử vong. Như vậy, do tác động đến đúng nhu
cầu giao tiếp, giải tỏa tâm lý của không ít người, Pháp luân công đã lừa gạt,
mê hoặc, lôi kéo được nhiều người tham gia thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp,
lứa tuổi, trong đó có những người bệnh, người lớn tuổi, đã nghỉ hưu,...
Về tính chất phản văn hóa, phản xã hội của Pháp luân công
Lý thuyết tu tập của Pháp luân công dựa trên sự kết hợp khí
công đã được nhà sư Phật giáo, võ sĩ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ
xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất; cụ thể
là giáo lý Phật giáo, khí công, âm dương, đạo giáo, vũ đạo, thiền... Trong đó,
lấy một phần giáo lý Phật giáo và khí công làm nền tảng. Lý Hồng Chí tự xưng là
“Pháp thân”, “Pháp chủ”, “Phật sống”... để “cứu độ” chúng sinh. Nhiều người đã
ngộ nhận Pháp luân công là một môn tu tập của Phật giáo nên đã tin theo. Pháp
luân công mê hoặc, cổ vũ “từ bỏ tình thân”, chuyên tâm theo học “Pháp luân đại
pháp” để được trường thọ, thăng cấp, cuối cùng sẽ tu thành “Phật, Đạo, Thần” như
của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Nhiều người luyện tập đến mức mê muội, bị ảo giác, thậm chí
thực hiện hành vi phạm tội, như vụ án Phạm Thị Thiên Hà (đã nêu ở trên). Bên
cạnh đó, nhiều người theo Pháp luân công vì quá đam mê nên đã bỏ bê gia đình để
đi quảng bá Pháp luân công, gây hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội; một số khác
do mê muội, tin vào việc luyện tập Pháp luân công sẽ khỏi bệnh đã dẫn đến tử
vong đáng tiếc...
Cần ứng xử với Pháp luân công như thế nào?
Cần phải khẳng định lại Pháp luân công không phải là một tổ
chức tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện tại, Pháp luân công không được công nhận, không
được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, mọi hành vi truyền bá Pháp luân công trên
lãnh thổ Việt Nam đều là trái pháp luật. Do đó, không ứng xử và thực hiện quản
lý nhà nước đối với Pháp luân công như với một tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo; không
để Pháp luân công phát triển, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội.
Người dân muốn rèn luyện sức khỏe nên tham gia các câu lạc
bộ dưỡng sinh, các hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần, các hoạt động thể
dục thể thao, rèn luyện thể chất, tinh thần lành mạnh đã được các cơ quan chức
năng thẩm định, phù hợp với giới tính, lứa tuổi, đối tượng. Bên cạnh đó, mỗi
người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ
của số đối tượng xấu, tránh tiếp tay vào các hoạt động tuyên truyền, tán phát
tài liệu tập luyện Pháp luân công, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch,
phần tử xấu lợi dụng Pháp luân công và tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã
hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét