KỶ NIỆM 105 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7-11-1917 / 7-11-2022) - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

KỶ NIỆM 105 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7-11-1917 / 7-11-2022)

VẠCH TRẦN MƯU ĐỒ HƯỚNG TỚI XÓA BỎ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN

Cường Quốc

Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là cơ hội để nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Nhân dân Liên Xô vĩ đại và lãnh tụ V.I.Lênin thiên tài, mà còn là dịp để mọi người nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc và khách quan hơn về giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Thế nhưng, các thế lực chống phá hàng ngày, hàng giờ tìm đủ trăm phương, ngàn kế hòng “kể tội” Cách mạng Tháng Mười Nga. Chẳng hạn, các ý kiến cho rằng đó là “sự lầm lạc lịch sử”; rằng, “đó chỉ là một cuộc phiêu lưu”, “sự áp đặt từ bên trên”; rằng nó “phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội” hiện thực sau này. Có luận điệu xuyên tạc cho rằng: “Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện mà không ai có lương tri trên thế giới muốn nhớ lại”, hay những cái títle “Cách mạng tháng 10 được xem là đồng nghĩa với tội ác” của nhà báo Nguyễn Minh Cần trả lời RFI, cho rằng “Cách mạng tháng Mười là một cái điều sai lầm, một cái điều gây ra biết bao nhiêu đau thương”, “Lênin và Bônsêvích họ không coi trọng đất nước dân tộc tổ quốc của họ, mà cái điều quan trọng là cướp được chính quyền, giữ cho được chính quyền”, “để xây dựng cái gọi là xã hội XHCN đấy, thì các lãnh tụ cộng sản của các chính quyền ở Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Đông Âu, Cuba, Campuchia v.v.. từ năm 1917 đến hết thế kỷ thứ 20 thì đã tước sinh mạng của chừng một trăm triệu người”. “Từ Kách mệnh Tháng Mười đến Tháng Tám : 2 Quả lừa Lịch sử”! Chúng cho rằng “Theo tư liệu kho Sử của Cộng sản Liên Xô mà các Nhà Sử học Nga vừa phát hiện là Kách mệnh Tháng Mười chỉ là một cuộc Đảo chính cướp đoạt Dân tộc Nga Cách mạng Dân chủ vào tháng 2 năm 1917... để thiết lập một cỗ máy chuyên chính độc tài cộng sản”.

Gần đây, sau sự kiện M. Gorbachev qua đời, các phần tử cơ hội lại đẩy mạnh chống phá. Trên trang “Doithoaionline. Com”, kẻ tự xưng “Tiến Văn” phát tán tài liệu có tựa đề: “Tấm gương Gooc-Ba-Chốp”. “Tiến Văn” bịa ra cái gọi là, “Tất cả lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đều bày tỏ ca ngợi, biết ơn nhân cách và công lao của M. Gorbachev”; “Tiến Văn” còn nhảm nhí cho rằng “M. Gorbachev đã góp công lớn trong việc làm tan rã toàn bộ khối quốc gia độc ác lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử nhân loại”. Nói đến M. Gorbachev, chúng ta nhớ bài phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Gorbachev nói: “Mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng vị thế lãnh đạo của mình trong Đảng và Nhà nước. Tôi đã thay thế toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như ban lãnh đạo ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Tôi đã nỗ lực tìm được các cộng sự để thực hiện mục tiêu này. Trong số đó có E. Shevardnadze và A. Yakovlev”. Sự thật đã sáng tỏ, sau khi Liên Xô sụp đổ, M.Gorbachev hiện nguyên hình là kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử chính trị thế giới. David Thiên Ngọc có bài: “Sai lầm của học thuyết Marxist-Leninist và Con đường Cách mạng Việt Nam”, với luận điệu cho rằng: “xóa chế độ phong kiến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn Lenin đã không làm được và hoàn toàn sai…hướng nhân dân đến thiên đường ảo tưởng”; “Bây giờ đất nước Việt Nam đang đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc”…

Rõ ràng, đây là những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười, đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, chúng ta cần đấu tranh bác bỏ, bởi vì: Chỉ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô ra đời mới đem lại cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc thực sự cho người dân. Ngay khi Cách mạng Tháng Mười thành công, tháng 01 năm 1918 tại Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 3 đã thông qua bản tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột khẳng định mục tiêu là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, đem lại quyền bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân; xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp dân tộc. Thành quả của Cách mạng Tháng Mười đã đưa Liên Xô từ một nước kém phát triển với ba phần tư nhân dân Nga mù chữ, chỉ sau 18 năm đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa vươn lên trở thành một trong hai siêu cường kinh tế của thế giới; đời sống xã hội được quan tâm, quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ sức khỏe khám, chữa bệnh và nhiều giá trị khác như: quyền về nhà ở, quyền được học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng – tôn giáo. Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới quy định chế độ làm việc 8 giờ một ngày. Ở thập niên 80 Liên Xô là một trong số các nước có trình độ học vấn cao và là nước dẫn đầu thế giới về khoa học vũ trụ và nhiều ngành khoa học khác. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là lực lượng quyết định nhất cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Trước khi tan rã, Liên Xô có diện tích hơn 22 triệu km2, dân số 287 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá chiếm gần 67%. GDP của đất nước đạt gần 700 tỷ USD, tương đương gần 70% GDP của Mỹ và sức mạnh quân sự đã có thể gây áp lực thường xuyên lên Mỹ trong trường hợp cần thiết.

Trong dịp Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã ký sắc lệnh về việc thành lập Ban tổ chức thuộc Hội Lịch sử Nga để tiến hành một loạt các sự kiện công cộng. Tổng thống Nga V. Putin từng phát biểu: “Những ai muốn phủ nhận hoàn toàn những thành quả của chế độ Xô-viết, người ấy không có trái tim”. Khi được hỏi vì sao ông ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản Quốc ca mới của Liên bang Nga, Tổng thống Putin đã trả lời: “Nếu chúng ta xoá bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10/1917, thì có nghĩa chúng ta đã công nhận rằng, cha ông ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý thế được”. Mặt khác, Chỉ lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như các hoạt động kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười đã được tổ chức ở nước Nga cho thấy, lý tưởng và những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị.

Theo J.A.Getty – Giáo sư lịch sử, Đại học California tại Los Angeles: với việc Cách mạng Tháng Mười nổ ra và sự thành lập nước Nga Xô viết, lịch sử thế giới lần đầu tiên xuất hiện một kiểu nhà nước mới, cùng những chính sách hướng đến lợi ích của người lao động và công bằng xã hội như quyền bình đẳng của phụ nữ, không phân biệt chủng tộc, quyền làm việc 8 giờ/ngày, chống sa thải lao động vô cớ, trợ cấp cho người già và người tàn tật, giáo dục và y tế miễn phí… Giáo sư J.A.Getty khẳng định rằng, “đây là những chính sách mà các nước phương Tây cùng thời kỳ chưa có. Sự ra đời và tồn tại của nước Nga Xô viết đã tạo ra áp lực khiến các nước tư bản phương Tây phải tự cải cách, mở rộng các quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội”. Chẳng lẽ đây không phải là giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga đã lan tỏa trên phạm vi toàn thế giới.

Giáo sư sử học G.Roberts (Ireland) nhận định: “không sự kiện nào khác trong thế kỷ 20 đã làm thay đổi quá trình lịch sử thế giới hay có những kết quả to lớn như Cách mạng Tháng Mười. Theo ông, những kết quả vẫn còn đến ngày nay. Ông còn cho rằng: Những nỗ lực của đảng Bolshevik để thay đổi thế giới vẫn có thể được liên tưởng đến trong thời đại hiện nay, khi xu hướng bất mãn với giới tinh hoa chính trị truyền thống ngày càng gia tăng.

Năm 2022, tròn 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới có cả thành tựu và bất cập, đổ vỡ và cải cách, đổi mới, đã khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại, nhưng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở vẫn là giải pháp đúng đắn duy nhất và cần thiết cho Trung Quốc, Việt Nam nói riêng và cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Cách mạng Tháng Mười Nga – chân dung lớn của thế kỷ XX, vẫn tỏa sáng, có sức lôi cuốn kỳ lạ bởi những giá trị không đổi. Lý tưởng và tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục là ngọn cờ dẫn đường cho cuộc đấu tranh cho nhân dân lao động toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Nhiều chính phủ ở các quốc gia, nhất là ở Châu Mỹ Latin đã tuyên bố sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Hiện thực sinh động của những nước đang kiên định theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trong đó có Việt Nam, càng khẳng định giá trị khai mở, tinh thần khai sáng và sức sống trường tồn của tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga trong hiện tại và tương lai.

Những ngày qua, nhìn cảnh người dân Châu Âu chẳng ai bảo ai cứ lũ lượt, rồng rắn kéo nhau ra đường với rất nhiều khẩu hiệu trên tay, khiến chúng ta nhớ đến mệnh đề nổi tiếng của Mác: “con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo v.v được”. Điều đó cho thấy sự khủng hoảng về năng lượng, khí đốt và có nguy cơ kéo theo cả lương thực đang hiện hữu rất rõ nét ở xứ sở của văn minh, của nhịp sống hiện đại và của cả “tự do, bình đẳng, bác ái”. Cái người dân ở rất nhiều nước Châu Âu quan tâm bây giờ không hẳn là ai làm Thủ tướng hay Tổng thống (nữ Thủ tướng Anh chỉ cầm quyền có sáu tuần), cái họ cần là bánh, là xúc xích, là súp, là khí đốt để đi qua mùa đông khủng khiếp đang đến gần. Đúng như Mác đã nói với đại ý rằng: con người không thể nhảy nhót, ca hát, thổi kèn, sáo, nhị, chơi bát âm cùng các thể loại khi cái dạ dày của họ bị rỗng. Chính vì thế mà tại sao giờ đây người dân Châu Âu lại đổ ra đường đồng loạt đến như vậy..? Chỉ có thể là do đã có hiệu lệnh thúc giục vang lên từ chính cái dạ dày và những nhu cầu ăn, ở, mặc, rồi đi lại đang dần dần bị bó hẹp. Nếu một cuộc cách mạng màu mang hơi hướng dân chủ Phương Tây cỡ như ở Trung Đông, Bắc Phi trước đây, muốn diễn ra thì người ta phải mất khá nhiều công để dàn dựng. Nhưng giờ đây người dân cũng ùn ùn đổ ra đường mà ko cần sự dàn dựng nào cả. Thế mới thấy, quan niệm về chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc lại một cách rất ngắn gọn và dễ hiểu rằng chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành - vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn Châu Âu bây giờ mới thấy nếu ai đó có nhắc tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau thì có gì đó thực sự quá là xa xỉ..! Thế giới đang thay đổi, một tỷ rưỡi người vẫn đang ung dung tiến lên chủ nghĩa xã hội, cho dù vẫn còn không ít kẻ chống phá quyết liệt. Khi Trung Quốc, Việt Nam thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng, mô hình tốt đẹp của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự soi sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Cách mạng Tháng Mười thì tính khoa học, tất yếu của con đường đó, chủ nghĩa đó cũng sẽ trở thành hiển nhiên, không phải bàn cãi.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, ST, H.2011, tr.289.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét