Vững vàng niềm tin đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Vững vàng niềm tin đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

CUỐN SÁCH QUÝ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG 

VÀ SỰ CẢM THỤ CỦA MỖI CHÚNG TA

Hiệp Vũ

Đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-2023 và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản. Cuốn sách không chỉ cung cấp tri thức lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nội dung cuốn sách còn là quan điểm, nhiệm vụ chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết, kiên trì với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Cẩm nang cho mỗi người

Cuốn sách gồm 3 phần: phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; phần thứ hai, nhất quán phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; phần thứ ba, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.

Toàn bộ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được hệ thống lại trong cuốn sách như một đáp án cho câu hỏi vì sao chúng ta phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được mạnh mẽ, quyết liệt và thành công như vừa qua. Nội dung cuốn sách đã phản bác lại một số quan điểm rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam như một cuộc đấu tranh nội bộ, làm nhụt ý chí của cán bộ, không phải như vậy, chính đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm ngày càng trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước để đất nước phát triển, để khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Trong cuốn sách còn tập hợp hơn 60 ý kiến của các nhà ngoại giao quốc tế, các đại biểu Quốc hội, nhà báo, nhà khoa học và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phần lớn ý kiến đều đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta. Đó là những ý kiến rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, lấy đà đưa nước ta vượt lên tầm cao mới, nhất là nền kinh tế đất nước đang phát triển sôi động, mạnh mẽ như hiện nay thì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành vấn đề quan trọng.

Cuốn sách là cẩm nang cho tất cả chúng ta, giúp cho các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đảng, đảng viên và Nhân dân, nhất là các đồng chí làm công tác nội chính, công tác kiểm tra Đảng nắm vững được những quan điểm, nhiệm vụ giải pháp của Đảng ta, của Tổng bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này.

 Trong cuốn sách, Tổng bí thư chỉ rõ “Rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn” trong xử lý tham nhũng, tiêu cực

Tính nhân văn trong xử lý tham nhũng, tiêu cực là trị bệnh cứu người; kỷ luật một vài người để cứu muôn người; truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Phải tăng cường giáo dục, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, đảm bảo phát triển vững bền của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ, từ đó giải quyết có tình, có lý, đúng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về quan điểm nhìn sự vật, hiện tượng phải khác quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển.

Tính nhân văn trong xử lý tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện ở quan điểm: cảnh tỉnh là chính, nếu phải đi đến mức xử lý kỷ luật là chuyện bất đắc dĩ phải làm. Ngay cả khi đã xử lý kỷ luật cũng phải mở đường cho người ta phục thiện, hướng tới một con người tốt hơn sau khi đã vi phạm, vì thế Bộ Chính trị đã có Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định 41 khuyến khích miễn nhiệm từ chức, cho nên chống tham nhũng để thu hồi được tài sản, cảnh tỉnh từ sớm từ xa chứ không phải để tích tụ mới xử lý.

Xử lý tham nhũng, tiêu cực không phải nhằm triệt tiêu những người dám nghĩ, dám làm mà phải bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”

Phải chống suy thoái

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được Đảng, Nhà nước cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, thậm chí vụ sau vi phạm lớn hơn vụ trước, đâu là nguyên nhân để cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trong cuốn sách, Tổng bí thư luận giải rất rõ: nguyên nhân cơ bản, gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của cán bộ, đó là nguyên lý. Để xử lý  thì phải giải quyết cái gốc, tức là chống suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống. Cán bộ sai trong thời gian qua do không tu dưỡng đạo đức lối sống, cho nên cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống những tư tưởng xa lạ, phải rèn luyện đạo đức và như Tổng bí thư đã nói, phải xây dựng văn hóa liêm chính.

Văn hóa liêm chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời; thiếu một phương không thành đất; thiếu một đức không thành người.

Tất cả cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng tốt theo những lời căn dặn của Bác Hồ và Đảng đã dạy chúng ta thì đất nước ta sẽ phát triển. Rất tiếc một bộ phận cán bộ không làm được điều đó, khi cán bộ ở vị trí càng cao mà tham nhũng, tiêu cực thì tác hại càng lớn. Điều quan trọng thời gian qua là chúng ta đã phát hiện không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực, còn không phát hiện được là rất nguy hiểm. Khi phát hiện được, Đảng và Nhà nước đã xử lý tới nơi tới chốn, có những cán bộ lãnh đạo ở vị trí rất cao của đất nước đã từ chức vì liên quan đến trách nhiệm trong đấu tranh tham nhũng, tiêu cực.

 Cần làm gì để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới?

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực để đảm bảo không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực.

Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài Nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực truy tìm và đưa về nước xử lý những kẻ tham nhũng tiêu cực đã đào tẩu ra nước ngoài.

Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật hành chính của Nhà nước; kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Cuốn sách cần được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân vì như Tổng bí thư nói, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó để củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét