TINH THẦN ĐOÀN KẾT, THƯƠNG YÊU ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG ĐỘI MẠCH NGUỒN TẠO NÊN SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI TA
Binh Nhất – Thế Cường
Vì sao phải đoàn kết, thương yêu đồng
chí, đồng đội? Điều đó xuất phát từ tính chất đặc thù của lao động quân sự, sự
gắn kết giữa các quân nhân với nhau chặt chẽ, sâu sắc hơn so với các mối quan hệ
xã hội khác. Đặc biệt là trong chiến tranh và trong những tình huống khẩn cấp,
nguy hiểm, người lính luôn đứng trước thử thách sinh tồn, ranh giới giữa cái sống
và cái chết hết sức mong manh, nếu không có sự phối
hợp hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng, chặt chẽ và không chung sức,
đồng lòng với nhau để tiêu diệt kẻ thù, người lính có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Vì vậy, càng trong gian lao, thử
thách, tinh thần “chia lửa” với đồng chí, đồng đội càng thắm thiết, cao cả. Tinh
thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ
Hồ” được khởi nguồn từ tình yêu Tổ quốc, yêu
đồng bào như một lẽ tự nhiên; được thắp sáng bởi
nghĩa “đồng bào” thiêng liêng và được kết tụ bởi một ý chí, một lý tưởng, một
khát vọng chung là sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH và
hạnh phúc của nhân dân. Đứng trong hàng ngũ cách mạng, người chiến sĩ luôn biết
vượt lên trên mọi gian khổ bằng sự sẻ chia, tinh thần gắn bó keo sơn như anh em
một nhà. Họ sống trong tình đồng đội cao đẹp, vì đồng chí, đồng đội mà sẵn sàng
xả thân.
Mặt khác, trong hoàn cảnh xa nhà,
xa người thân, quân nhân thường có cảm giác trống vắng tình cảm ruột thịt. Khi ấy,
sự kết nối, gắn bó giữa những người sống chung trong một tập thể, một đơn vị,
ngày càng trở nên thân thiết.
Tinh thần đoàn kết, thương
yêu đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” không tự nhiên
mà có. Nó được hình thành, xây dựng, bồi dưỡng trong suốt quá trình nỗ lực rèn
luyện, công tác và phấn đấu của mỗi cá nhân trong tập thể quân nhân. Tinh thần ấy đã được
phát huy cao độ và tỏa sáng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc và trở thành một trong những cội nguồn làm nên sức mạnh
“bách chiến bách thắng” của Quân đội ta.
Theo dòng chảy thời gian, cùng với
sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội ta và sự phát triển, hoàn thiện không ngừng
của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần đoàn
kết,
thương yêu đồng chí, đồng đội được nâng lên tầm cao mới, giá trị mới. Đó là “Bộ đội Cụ Hồ” đã biết làm giàu nhân cách của mình bằng tấm lòng
trân trọng, quý mến và nâng niu tất cả những gì thuộc về đạo lý, lẽ phải, công
bằng, bác ái, cùng những giá trị chân-thiện-mỹ đã và đang nảy nở, lan tỏa trong
tập thể quân nhân, trong hoạt động quân sự và trong môi trường quân đội.
Bối cảnh thời bình hiện nay đã khác
nhiều so với thời chiến, tuy nhiên tinh thần đoàn kết,
thương
yêu đồng chí, đồng đội vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là “chất keo” đặc biệt kết
nối, gắn chặt mối quan hệ giữa cán bộ - chiến sĩ, cấp trên - cấp dưới, tập thể
- cá nhân và là nền tảng, tiền đề để củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu, chất lượng
tổng hợp của Quân đội ta trong tình hình mới. Để tinh thần đó có cơ sở
thực sự bền vững, các đơn vị quân đội đã và đang chú trọng đẩy mạnh
tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao tình cảm, nhận thức cho mọi cán bộ,
chiến sĩ, nhất là lớp trẻ về những nét tiêu biểu truyền thống vẻ vang của Quân đội và đặc trưng phẩm
chất “Bộ đội Cụ Hồ”;
chăm lo, xây dựng bầu không khí thật sự đoàn kết, dân chủ, nhân
ái, trên dưới đồng lòng, đồng thuận; xây dựng “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ
là anh em”.
Tinh thần đoàn kết, thương
yêu đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta là nét đẹp truyền
thống, phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong tình hình mới, tinh thần ấy cần được các thế hệ cán bộ, chiến
sỹ Quân đội ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ để xây dựng tập thể quân
nhân vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”, góp
phần quan trọng tạo
nên chất lượng tổng hợp và sức mạnh
chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét